ĐỂ TRẺ TỰ KHỎE MẠNH
Theo một báo cáo của WHO cho thấy có hơn 60 chiến dịch toàn cầu nhằm nâng cao ý thức mọi người về sử dụng kháng sinh, đặc biệt gần một nửa các chiến dịch này là hướng tới những cha mẹ đang có con nhỏ. Còn ở VN, chúng ta rất thường nghe đến các thuật ngữ như “nuôi con không kháng sinh”, “kháng kháng sinh”. Chính điều này làm một số cha mẹ cảm thấy lo sợ khi trẻ được kê kháng sinh, thậm chí tự ngưng dùng dù chưa có chỉ định của bác sĩ…Vậy, chúng ta nên hiểu điều này như thế nào cho đúng?
Thực ra, “nuôi con không kháng sinh” nên được hiểu là “nuôi con không lạm dụng kháng sinh”. Đây là cách nuôi con hiện đại, khoa học và thông minh vì nó giúp trẻ tự khỏe mạnh, không dùng thuốc nếu không cần thiết. Khi bạn chọn nuôi con theo cách này bạn cần làm tốt 2 điều sau:
● Hiểu đúng về kháng sinh
● Để trẻ tự khỏe mạnh là như thế nào?
HIỂU ĐÚNG VỀ KHÁNG SINH
1. Kháng sinh chỉ có hiệu quả trong tiêu diệt vi khuẩn
● Nếu bệnh không do vi khuẩn thì sử dụng kháng sinh là không có lợi ích. Phần lớn các bệnh cảm cúm, sổ mũi ở trẻ đều do vi rút và thường tự khỏi mà không cần phải dùng thuốc.
● Một điều bạn cũng cần biết là kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn cả vi khuẩn có lợi, đặc biệt là những vi khuẩn có lợi ở đường ruột. Do đó, việc lạm dụng kháng sinh cũng gây ảnh hưởng đến mất cân bằng vi sinh vật đường ruột.
2. Kháng sinh có lợi khi dùng đúng và trở nên có hại khi bị lạm dụng.
● Nếu bạn dùng kháng sinh thường xuyên và không cần thiết thì khi có một con vi khuẩn nào đó may mắn sống sót thì nó trở nên kháng và nó không bị tiêu diệt cho lần sau. Con cháu của nó cũng trở nên có tính kháng và có khả năng làm bệnh trầm trọng hơn.
● Trong trường hợp trẻ bị viêm nhiễm bởi vi khuẩn thì kháng sinh là công cụ hữu hiệu để kiểm soát bệnh. Do đó, bạn cần tuân thủ phát đồ điều trị từ bác sĩ. Đừng thấy trẻ hơi khỏe và ngại dùng kháng sinh thì tự ý ngưng. Dùng đúng và đủ thì trẻ mới nhanh khỏe lại, ít bị tác dụng phụ và hạn chế bị kháng kháng sinh.
ĐỂ TRẺ TỰ KHỎE MẠNH
Điều này lại càng đặc biệt quan trọng trong cuộc sống hiện nay ngày nay, khi mà mầm bệnh ngày một gia tăng do không khí ô nhiễm, do mặt trái của lối sống hiện đại... Đương nhiên, việc trốn chạy mầm bệnh là điều không thể. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là cho trẻ trở nên khỏe mạnh.
1. Giúp trẻ tự khỏe mạnh từ bên trong
● Ưu tiên cho trẻ bú mẹ vì cho đến nay người ta vẫn chưa tìm thấy một sản phẩm nào có thể so sánh với sữa mẹ trong việc bảo vệ trẻ ở giai đoạn nhỏ.
● Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm phòng quốc gia
● Khi trẻ ăn dặm, trẻ nên có chế độ ăn đa dạng và giàu rau củ quả để lấy đủ các vitamin A, C… Chế độ ăn đa dạng nguồn đạm từ thịt, cá, trứng.. để trẻ lấy đủ sắt, kẽm, vitamin D – đó là những vitamin khoáng có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch của trẻ
● Cho trẻ được vui chơi và vận động hợp lý.
Từ 3 tháng -2 tuổi: cha mẹ nên ít bế bồng trẻ để trẻ có không gian phát triển kĩ năng bò trườn, đi lại. Các hoạt động như đị dạo, chơi một số trò chơi ngoài trời nên khuyến khích khi trẻ biết đi.
Trẻ từ 4-5 tuổi được khuyên học bơi 2 buổi/tuần và 2 buổi cách nhau 3 ngày, mỗi buổi không quá 45 phút. Khi bé 8 tuổi, có thể tăng 3 buổi/tuần. Mỗi buổi không quá 60 phút.
Trẻ từ 2-5 tuổi nên giới hạn tổng thời gian sử dụng thiết bị màn hình điện tử < 60 phút/ngày.
● Đảm bảo trẻ ngủ sớm và đủ giấc: Trẻ nên được ngủ sớm trước 10 giờ vì từ thời điểm này đến 4 giờ sáng là hoạt động tối ưu của hormone tăng trưởng. Trước giờ đi ngủ 1 tiếng, trẻ nên ngưng các hoạt động có liên quan đến màn hình điện tử. Để tạo nếp ngủ tốt, bạn có thể đọc sách hoặc nói chuyện, chơi cùng trẻ trên giường 20 phút trước giờ ngủ. Điều này sẽ giúp trẻ đi vào giấc ngủ tốt hơn.
2. Cho trẻ một môi trường khỏe mạnh và an toàn từ bên ngoài
● Trẻ dưới 5 tuổi dành 80% thời gian sinh hoạt trong nhà. Do đó, mầm bệnh thường xuất phát từ chính trong căn nhà chúng ta. Tất cả các nguồn nguyên liệu cũ, vật dụng cũ trong nhà, sách báo cũ, thú nhồi bông cũ không sử dụng hơn 1 năm, xoong nồi cũ, thùng carton cũ đều là nguồn ô nhiễm không khí. Do đó, nên tạo thói quen dọn sạch khi không dùng nữa.
● Nhà cửa, đặc biệt phòng ngủ, nên được thường xuyên được dọn dẹp. Người lớn chúng ta dành khoảng 1/3 thời gian mỗi ngày trên giường ngủ trong khi trẻ con có thể dành thời gian nhiều hơn con số đó. Chăn nệm là những nơi dễ bám bụi, chứa nhiều vi khuẩn và chúng cũng thường khó vệ sinh. Trung bình một người mất khoảng 500 triệu tế bào da mỗi ngày khi ngủ trên giường. Các tế bào da này có thể thu hút một lượng lớn các loài vi sinh vật và côn trùng nhỏ sống trong chăn nệm. Chúng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ, cũng như gây dị ứng và thậm chí là hen suyễn ở trẻ.
Giường cũng là nơi cư ngụ của nhiều vi khuẩn nguy hiểm như Staphylococcus, E. coli… Do đó, bạn nên thường xuyên vệ sinh chăn nệm và khu vực ngủ của trẻ, có thể sử dụng các loại máy hút bụi tiên tiến chuyên biệt cho hút bụi giường nệm
● Luôn tạo bầu không khí thoải mái, vui vẻ, trẻ được giao tiếp và tôn trọng trong gia đình. Điều này không chỉ giúp gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và trẻ mà còn giúp trẻ phát triển tốt và ít bệnh tật hơn.
Bottom line
Ranh giới giữa bệnh tật và khỏe mạnh là rất nhỏ: thực ra bệnh tật là cái xảy ra khi chúng ta quên chọn để sống có ý thức; ngược lại, khỏe mạnh là cái sẽ xảy ra khi chúng ta lựa chọn sống có ý thức.