Tư vấn
Thanh Huyền VIP
GIÁO DỤC THEO KIỂU NÀO?

Kiểu giáo dục mình hay bắt gặp nhất: kiểu giáo dục độc đoán.

Ở nhà trường, nếu thầy cô theo kiểu này sẽ hay dùng quyền lực của mình để ép trẻ phải làm theo những gì mình yêu cầu. Mọi điều thầy cô nói ra đều phải được công nhận là đúng. Mọi thứ đi ngược lại đều được coi là “láo, bất trị” và cần trừng phạt.

Trong gia đình, cha mẹ dạy con theo kiểu này ít khi giải thích lý do về luật lệ hay nguyên tắc. Những câu mà bố mẹ hay nói với con là: Cấm cãi/ Mày có nghe không thì bảo/ Biết gì mà nói…. Nếu con làm ngược lại, cha mẹ cảm thấy bẽ mặt, tức giận.

Và thầy cô, bố mẹ sẵn sàng dùng bạo hành thể xác hoặc tinh thần đối với đứa trẻ để mong đứa trẻ tuân phục.

Mô hình này có thể xây dựng nên những đứa trẻ vâng lời, biết phục tùng.

Nhưng lợi không bù hại. Hậu quả dễ thấy nhất là sự tức giận, bất mãn và uất ức trong những đứa trẻ. Chúng cũng thường tự ti, giận dữ, yếu đuối và luôn cảm thấy bất hạnh. Chúng kém óc sáng tạo và tư duy độc lập. Chúng có xu hướng muốn sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Và nếu sau này khi làm lãnh đạo, có thể những đứa trẻ ấy cũng sẽ lại áp dụng tư tưởng “cai trị” như mô hình mà đã bị áp dụng trong tuổi ấu thơ.

Đó là một chiều của giáo dục. Và đây là một chiều khác của kiểu giáo dục trên:

Gần đây, đi đến các trường mình thấy có một hiện trạng khá phổ biến: Trẻ em không chào hỏi, ăn nói với giáo viên với thái độ cộc lốc, tảng lờ những yêu cầu của giáo viên… càng những trường tư, hiện tượng này càng nhiều.

Và lời giải thích từ phía các cô thường là: Chúng em khuyến khích sự tự do của các em. Có cô giáo còn nói mạnh mẽ hơn: Chị ơi, nhà trường theo khuynh hướng giáo dục Âu Mỹ, coi trọng sự tự do dân chủ í chị.

Không, mình không nghĩ đó là cách hiểu toàn vẹn của tinh thần này. Dân chủ luôn phải gắn với tinh thần trách nhiệm, với những nguyên tắc kiểm soát và quân bình lẫn nhau.

Nên lấp ló đâu đó, nguyên nhân của lối giáo dục trên đó là do thầy cô “sợ” bố mẹ của các em. Trường tư thường hay muốn lấy lòng phụ huynh, cho phụ huynh thấy mình đã chăm sóc, yêu thương con cái của họ một cách hết mức.

Và đó chính là cách mà các cô và cả bố mẹ đang áp dụng mô hình giáo dục nuông chiều. Đó là lối giáo dục “cho người khác quá nhiều sự tự do và muốn làm gì thì làm”.
Các thầy cô, bố mẹ không đưa ra nguyên tắc, cũng ít khi có kỉ luật, hay nịnh con, thưởng quà cho con để con vâng lời, đáp ứng mọi nhu cầu về vật chất.

Trẻ em theo lối giáo dục này thường gặp nhiều vấn đề về kỉ luật trong nhà trường, về những lề luật, học lực không đạt như khả năng mà trẻ có thể đạt tới. Trẻ luôn đưa ra các đòi hỏi, ích kỉ, ít để ý đến những khó khăn vất vả của cha mẹ, tiêu tiền không có kiểm soát và khi lớn cũng dễ bị bạn bè lôi kéo vào các hành vi tiêu cực.

Lý tưởng nhất, đẹp nhất và tất nhiên cũng là khó nhất, đó là kiểu giáo dục dung hòa hai kiểu giáo dục trên- TỪ NGHIÊM có nghĩa cha mẹ, thầy cô vừa hiền từ vừa uy nghiêm.
Theo cách này, cha mẹ và thầy cô sẽ:

- Lắng nghe, chia sẻ, tâm sự, khuyến khích mọi thứ theo tinh thần dân chủ

- Đề ra các nguyên tắc, luật lệ, nề nếp và yêu cầu trẻ phải thực hiện.

- Có những hình thức phạt vừa phải theo độ tuổi của trẻ nhằm mục đích nâng cao sự tự giác và ý thức được về hành động chứ không phải là hành hạ về thể xác và tinh thần. Kết thúc phạt, bố mẹ và thầy cô khuyến khích trẻ cố gắng không tái phạm và bày tỏ sự tin tưởng vào những nỗ lực của trẻ.

- Cho phép trẻ được tự khẳng định chính mình.

- Dạy trẻ các quy tắc về giao tiếp ứng xử, các hành vi được phép và không được phép nơi công cộng.

Sự từ nghiêm chúng ta thường gặp ở những thầy giáo xưa kia, đĩnh đạc, hiền hòa nhưng nghiêm khắc.

Bố mình cũng là người thực hiện theo kiểu giáo dục từ nghiêm. Ông lúc nào cũng ân cần dịu dàng mà nghiêm ngắn với chính bản thân và với các con nên cả ba anh em đều sợ, nể, phục, yêu kính bố vô ngần.

Đến lượt mình, mình không thực sự làm tốt điều đó. Đôi khi mình chuyển từ “từ nghiêm” thành “nổi điên” 😂

Thế mới thấy giáo dục khó biết dường nào, để thành thầy cô và cha mẹ tốt khó đến dường nào.

Nên mình chỉ mong ước có thêm thật nhiều những cha mẹ và thầy cô TỪ NGHIÊM.

0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
TÌM KIẾM