Mamibabi Tư vấn
"Con em 6 tuần tuổi, và chỉ ngủ khi được bế. Bất kể khi nào đặt xuống, dù đang có vẻ ngủ rất say con cũng thức dậy ngay lập tức."

Khó để đặt một em bé sơ sinh nằm xuống có vẻ là vấn đề của rất nhiều bà mẹ. Họ không thể hiểu vì sao con ngủ ngon lành trên tay mẹ 2 tiếng đồng hồ nhưng chỉ ngủ được 20 phút nếu nằm trong cũi. Và điều oái ăm là, việc ôm con để con ngủ đôi khi không STRESS bằng việc những người xung quanh có quá nhiều ý kiến về việc họ bế em bé của mình khiến các bà mẹ tự hỏi liệu mình có đang làm gì sai hay tạo ra một “thói quen” xấu cho con hay không.

Nếu bạn cũng đang ở trong tình huống tương tự, yên tâm đi, bạn không cô đơn đâu. Có rất nhiều bà mẹ giống như bạn và việc trẻ sơ sinh muốn được ở gần mẹ để cảm nhận sự ấm áp, gần với trái tim người mẹ là hoàn toàn bình thường - mà các chuyên gia vốn vẫn thường gọi đó là “tam cá nguyệt thứ 4”.

Những em bé sinh ra chưa trưởng thành nên con thực sự cần thời gian để thích nghi với việc ở bên ngoài, trong lúc chờ đợi cơ thể nhỏ bé và hệ thống thần kinh phát triển thêm. Đây KHÔNG PHẢI là lúc để “luyện” hay để “dạy” cho em bé tự xoa dịu hay tự giải quyết những lo lắng của em mà là thời gian để LÀM QUEN với con và giúp con cảm thấy an toàn khi đã ra ngoài.

Hãy thử đặt mình vào vị trí của con và đánh giá mức độ thay đổi thể chất cũng như cảm giác của con. Tưởng tượng rằng bạn đang ngâm mình trong bồn nước ấm, dưới ánh nến và lắng nghe những âm thanh ù ù ở phía ngoài với việc bạn phải đứng trên một con phố tấp nập vào giữa mùa đông, với đèn pha ô tô chiếu vào mặt và đủ loại tiếng ồn từ đường sá, xe cộ, con người. Cái nào dễ chịu hơn?

Trong thế giới đầy nước của tử cung, em bé không trọng lượng và ấm áp, được an ủi bởi những chuyển động rung nhẹ nhàng của mẹ, được bao bọc bằng tiếng nhịp tim và chính cơ thể mẹ. Từ thế giới ấm áp tối tăm cùng những âm thanh bị bóp nghẹt đó, con dần phải làm quen với những cảm giác mới: không khí, ánh sáng, âm thanh, mùi và sự tĩnh lặng (rất nhiều người lớn hơi sai lầm một chút khi cố gắng đặt trẻ ngủ trong một môi trường quá yên tĩnh trong khi tiếng ồn mà đặc biệt là white noise lại có hiệu quả hơn nhiều).

Theo bản năng, con cần gần mẹ để sinh tồn và có cảm giác sẽ gặp nguy hiểm nếu ở xa mẹ - điều đó giải thích vì sao em bé được mẹ âu yếm và bế lên sẽ ít khóc hơn và ổn định hơn.

Một lí do nữa khiến trẻ sơ sinh khó ngủ nếu không có sự trợ giúp của mẹ hoặc người chăm sóc đó là: những tháng đầu tiên là giai đoạn bé ngủ động nhiều, thường có phản xạ “giật mình” rất mạnh mẽ và thường xuyên (cơ thể giật, cánh tay không thể kiểm soát)… và khiến con bị thức dậy. Vì vậy, tốt hơn là con cần được ôm ấp, đu đưa nhẹ hoặc cho bú để ngủ - mẹ hoàn toàn có thể điều chỉnh và thay đổi dần dần khi bé lớn lên thay vì cố gắng thay đổi và ép con vào “quy củ” để rồi stress cả mẹ và cả bé.

Cái cảm giác quen thuộc khi được quấn chặt, ôm và đu đưa (giống như khi ở trong bụng mẹ và mẹ di chuyển), gần trái tim mẹ và hít mùi hương quen thuộc của cơ thể mẹ sẽ giúp con cảm thấy an toàn. Cảm giác quen thuộc này sẽ làm giảm hormone gây căng thẳng và giúp con thư giãn. Và tất nhiên, một em bé thoải mái thì sẽ dễ ngủ hơn là em bé cau có.

Một mẹo nhỏ nếu như mẹ muốn đặt bé xuống đó là bế và chờ đợi cho tới khi bé ngủ sâu hẳn. Khi cánh tay con thõng xuống, dó là một dấu hiệu cho thấy con đã ngủ sâu.

Bạn nhỏ của mình sau 2 tháng đầu khó khăn cũng đã có thể đặt ngủ ngon lành vào ban đêm (ban ngày bạn ấy vẫn giật mình rất nhiều nếu tự nằm ngủ và sẽ khóc vì không thể tự ngủ lại nên mình vẫn bế). Mình thường cho bạn ấy bú một chút để thư giãn (trước đó khi tỉnh táo đã bú no), trước là cần phải ôm thật chặt, giờ thì có thể đặt xuống đắp chăn, mẹ chỉ cần nằm xuống bên cạnh vỗ vỗ hát hát một chút là bạn sẽ ngủ.

Ba năm đầu tiên rất quan trọng cho sự phát triển trí não của trẻ. Theo bạn thì đây là lúc con nên học được rằng thế giới an toàn hay đáng sợ? Thân thiện hay đầy mạo hiểm? Tạo một môi trường an toàn khi ôm con cũng là một cách giúp con có sức khỏe tâm thần ổn định, con cảm thấy được yêu thương sẽ tác động tích cực đến con và là gốc rễ để con trở thành một “người lớn” khỏe mạnh.

Vậy nên nếu em bé chỉ muốn ngủ trên người bạn, được bạn ôm hoặc thậm chí đòi âu yếm và bú mẹ lắt nhắt cả ngày trong khoảng 3 tháng đầu, điều đó không có nghĩa là con đang gặp rắc rối gì, cũng không phải con “hư”, không phải là “vấn đề” và càng không thể là thói quen xấu. Hành vi của chúng là hoàn toàn bình thường.

Tất nhiên việc bế nhiều và lâu sẽ khiến mẹ mệt mỏi, cảm thấy bị động và nó không dễ dàng tí nào. Hãy nhờ người thân hoặc người trợ giúp. Cố gắng tự giảm áp lực và trấn an bản thân rằng thời gian này rồi sẽ sớm qua. Sẽ tới lúc muốn ôm chúng cũng không còn được nữa.

Nguồn: Linh Phan - Raise Happy

0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
Nuôi dạy con
Chia sẻ, học hỏi cách nuôi dạy con khoa học nhất
TÌM KIẾM