YÊU QUÁ HOÁ SAI, TÔN TRỌNG CON ĐỂ LUÔN ĐI ĐÚNG HƯỚNG
Nuôi con dù ở thời đại nào, đất nước nào thì cũng thế: bố mẹ thương con, muốn tốt cho con, làm mọi thứ cho con xuất phát từ tình yêu. Thế nhưng yêu thôi, đừng yêu quá! Khi quá yêu con mà thiếu tôn trọng khả năng, bản thân con thì cha mẹ thường dễ đi sai hướng mà trở nên áp đặt, cầu toàn, luôn luôn lo lắng… khiến con trở thành một đứa trẻ bị động và không hạnh phúc. Nuôi dạy trẻ theo phương pháp RIE nhấn mạnh sự tôn trọng và tin tưởng vào trẻ, khi đó “mọi thứ sẽ tự đi đúng hướng”
Bài viết mình giới thiệu về phương pháp RIE (viết tắt của Resources for Infant Educarers).
Năm 1978, một trong số người tiên phong về phương pháp này là nhà giáo dục Magda Gerber đã cùng với nhà thần kinh học nhi đồng Thomas Forrest thành lập tổ chức RIE. Tổ chức RIE ngày nay có cơ sở ở nhiều thủ đô trên thế giới, tại đó họ lập ra các sân chơi cho các em bé, hướng dẫn RIE cho cha mẹ và giáo viên, người học được cung cấp chứng chỉ về RIE quốc tế. Ngoài ra, họ viết và phát hành sách, tài liệu về RIE. Năm 2010, RIE trở thành giáo trình chính được đưa vào một chương trình quốc gia cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do Chính phủ Mỹ tài trợ (có tên là Early Head Start).
👉 Triết lý cơ bản của RIE là tôn trọng và tin tưởng vào đứa trẻ, khuyến khích bản năng tự nhiên của đứa trẻ đó là: phát kiến, khám phá và học hỏi.
5 ĐIỀU QUAN TRỌNG THEO RIE:
️1 - Thời gian chơi của trẻ không phải là để học. Chúng chơi vì chúng muốn chơi (Children do not play because they learn. They play because they play - Magda Gerber)
RIE nhấn mạnh vào tiêu chí an toàn khi chọn không gian và đồ chơi cho bé.
Theo RIE đa phần đồ chơi hiện nay đều thiếu an toàn : chứa pin, chứa các bộ phận có thể tháo rời hoặc may không chắc chắn (có thể gây hóc), có dây dài (có thể siết), đồ chơi chứa nước, hạt bên trong mà có nguy cơ vỡ.
Thay vào đó RIE chọn cho bé chơi với bất kì đồ dùng gì trong nhà chỉ cần chúng : đơn giản, chắc chắn và có thể rửa sạch. Đồ càng đơn giản thì càng khuyến khích đứa trẻ tưởng tượng, sáng tạo ra nhiều cách chơi. RIE gợi ý những đồ chơi đầu tiên nên là đồ bằng vải, cốc bát nhựa hoặc nhôm (có thể tạo ra âm thanh), thùng, hộp (để trẻ chui vào trong), chai, lọ, bóng, và đĩa CD cũ (có thể phản chiếu ánh sáng).
2 - Hãy để trẻ tự chơi, chỉ cần cha mẹ có mặt ở đó là đủ
(Let the child be the scripwriter, the director and the actor in his own play - Magda Gerber)
RIE cho rằng đứa trẻ từ khi có thể lật lẫy đã có suy nghĩ riêng để biết mình thích chơi gì và chơi như thế nào. Thực tế là cách trẻ nhỏ chơi rất khác so với cách chơi của người lớn. Do đó, bố mẹ hãy dành thời gian để trẻ tự chơi, chỉ lùi lại và quan sát trẻ, hoàn toàn cho trẻ quyền quyết định chơi gì, chơi bao lâu, chơi cách nào. Khi ấy trẻ có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo ra cách chơi, tự giải quyết khó khăn khi chơi, đồng thời rèn luyện khả năng tập trung và sự kiên nhẫn – đây đều là các kĩ năng và đức tính quan trọng cho thành công của trẻ sau này.
3 - Sống với nhịp sống và cảm xúc của đứa trẻ
(We must learn to see as a baby sees - new - Magda Gerber)
Tôn trọng cảm xúc của đứa trẻ bao gồm việc không tìm mọi cách để làm cho một em bé đang khóc phải nín khóc, và không làm gì với một em bé mà không xin phép.
Với sự tôn trọng trẻ, cha mẹ cũng cần làm mọi thứ chậm lại : bước đi chậm rãi, nhấc bé một cách từ từ… theo nhịp sống của đứa trẻ. Điều đó mang đến cảm giác an toàn vui vẻ cho đứa trẻ và cả cha mẹ nữa.
4 - Tương tác và nói chuyện với trẻ trong khi chăm sóc
(Respecting a child means treating the youngest infant as a unique human being, not as an object - Magda Gerber)
RIE khuyến khích cha mẹ giao tiếp với bé trong các hoạt động chăm sóc hàng ngày, như thay tã, cho ăn, tắm bé… Ý nghĩa của việc này là khi bạn nói chuyện với bé, bạn sẽ nhìn vào mắt bé, bạn sẽ làm chậm hơn, bạn sẽ chạm vào bé nhiều hơn. Điều đó biến thời gian chăm sóc bé, vốn phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong ngày, trở thành quãng thời gian tương tác chất lượng.
Điều RIE khuyến khích ngược lại với thói quen của nhiều cha mẹ là can thiệp quá nhiều vào việc chơi, trong khi chăm sóc các nhu cầu khác của bé thì lại quá ít tương tác. Theo RIE, trẻ từ rất nhỏ đã có thể tự chơi và khám phá theo cách của trẻ mà không cần ai dạy cách chơi hay dúi đồ chơi vào tay – một hình thức áp đặt suy nghĩ của người lớn lên trẻ. Thay vào đó, cha mẹ nên dành nhiều tình yêu và tâm trí hơn khi chăm sóc bé, coi đó là cơ hội tuyệt vời để giao tiếp với bé, mặt đối mặt và da kề da với bé, thay vì coi đó là một nghĩa – vụ – phải – làm.
5 - Mỗi em bé là duy nhất nên cách nuôi dạy cũng là duy nhất
RIE cho thấy rằng khi cha mẹ chỉ lặng lẽ quan sát mà không làm phiền đến trẻ tự chơi, cha mẹ có thể quan sát được : nhu cầu nội tại trong trẻ, khả năng tự thân của trẻ, phong cách chơi của trẻ, tính cách của trẻ, cách trẻ giải quyết các vấn đề với đồ chơi, với bạn chơi. Chính lúc đó là cha mẹ hiểu rõ nhất về trẻ và tìm ra cách thức nuôi dạy phù hợp nhất với con mình.
Các nguyên tắc và giới hạn cần được thực hiện nhất quán
Khi tôn trọng đứa trẻ, RIE cũng mong đợi đứa trẻ tôn trọng lại những người khác qua việc làm theo một số nguyên tắc và giới hạn. Các nguyên tắc này cần phải hợp lý và cần được thực hiện trong thời gian dài để hình thành các thói quen.
Cha mẹ tránh mong đợi vô lý, ví dụ như yêu cầu một em bé 5 tháng không được cho đồ chơi vào mồm, hay một em bé đang ăn dặm không được ném đồ ăn. Vì như vậy là hoàn toàn trái với bản năng của trẻ nhỏ.
Theo RIE, bí quyết để dạy đứa trẻ về nguyên tắc và giới hạn là :
✅ Biến các nguyên tắc thành thói quen của trẻ ngay từ rất nhỏ (ví dụ : hình thành thói quen đánh răng sau khi ăn từ nhỏ sẽ dễ hơn nguyên tắc phải đánh răng sau khi ăn khi trẻ đã lớn)
✅ Không ra lệnh, mà cho đứa trẻ được lựa chọn (ví dụ : thay vì nói “con phải ăn rau” hãy nói “con được ăn rau này hoặc rau kia do con chọn”)
✅ Dùng lời nói và hành động thể hiện sự thấu hiểu và thông cảm cho đứa trẻ khi chúng phá vỡ nguyên tắc (ví dụ : mẹ biết con không muốn về vì con vẫn muốn chơi tiếp, mẹ biết con buồn nhưng + lý do)
✅ Luôn có giới hạn cho mỗi nguyên tắc, không cứng nhắc quá (ví dụ : đôi khi có thể bỏ qua, thông cảm + kèm theo lý do) ; nhưng vẫn có những nguyên tắc tuyệt đối không được vi phạm
✅ Tránh quát mắng hoặc trừng phạt trẻ, đặc biệt là trước mặt người khác, vì trẻ nhỏ cũng có sĩ diện của trẻ
✅ Cho trẻ nhiều quyền và lựa chọn trong lúc chơi (tự chơi), thì trẻ sẽ dễ dàng nghe lời hơn trong lúc cha mẹ cần!
MỤC TIÊU CỦA RIE LÀ ĐỂ EM BÉ ĐƯỢC LÀ EM BÉ, CHA MẸ ĐƯỢC CÂN BẰNG
(Do less, observe more, enjoy most! - Magda Gerber)
RIE hiểu rằng làm cha mẹ là một công việc không bao giờ dễ dàng, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ mâu thuẫn giữa nhu cầu của em bé – nhu cầu của cha mẹ. Ví dụ như chúng ta muốn ngủ còn đứa bé lại muốn thức chơi ; chúng ta muốn nhanh chóng rời đi, còn đứa bé thì chậm rãi và khóc lóc… Làm cha mẹ cũng thật khó bởi vì mâu thuẫn trong chính bản thân người làm cha mẹ : chúng ta vừa muốn làm tất cả những gì tốt nhất cho con, chúng ta vừa không muốn bỏ lỡ 100 thứ khác; chúng ta vừa muốn hi sinh cho con, vừa muốn ích kỉ cho mình. Khi đó, RIE đưa ra những phương pháp và lời khuyên giúp cân bằng giữa nhu cầu và đời sống của cả em bé và cha mẹ.
Lợi ích đối với cha mẹ :
- Thư giãn tinh thần, tháo bỏ bớt áp lực trong khi nuôi con
- Tận hưởng tuổi thơ với bé qua việc nhìn thế giới qua con mắt của bé
- Có thời gian để quan tâm và chăm sóc chính bản thân mình tốt hơn, điều đó giúp chuẩn bị tinh thần sức khoẻ tốt nhất để chăm sóc em bé
Lợi ích đối với đứa trẻ :
- Có nhiều cơ hội thể hiện cá tính, sở thích, cái tôi cá nhân
- Rèn luyện khả năng tập trung dài hơn
- Hình thành tính cách độc lập ngay từ nhỏ, ít phụ thuộc vào người khác
- Phát triển các kĩ năng tự giải quyết vấn đề
- Kích hoạt khả năng tư duy sáng tạo
- Hình thành sự tự tin vào bản thân
- Sẵn sàng cho quá trình học tập và làm việc sau này.
#RIEphaodation