Nguyễn Lan Hải VIP
CẬU BÉ LỊCH THIỆP🌳

Lần đó khi chuẩn bị rời khỏi một cửa hàng mua sắm, tôi để ý thấy một cậu bé đang chơi gần cửa ra vào bỗng chạy lại mở cửa cho mấy người phụ nữ ôm đồ bước qua.
Các chị em cười rộ lên vui vẻ, có người cúi xuống bẹo má cậu bé🥰: “Chội ôi, tục tưng dễ thương quá à”, có người vuốt tóc khen ngợi: “Con giỏi lắm!”.
Đến lượt tôi, cậu bé tiếp tục giữ giùm cánh cửa, tôi nhìn vào mắt “chàng trai chưa lớn” nhưng đã bộc lộ phẩm chất của một quý ông, mỉm cười gật đầu cảm ơn, khẽ nâng tà áo dài và bước qua cho… tương xứng.😉

Bạn tôi kể, một lần nọ đến dự tiệc buffet tại một nhà hàng Pháp, nơi gặp gỡ của nhiều khách nước ngoài, bạn hết hồn khi có khoảng chục đứa trẻ người Việt chạy lung lung, la hét, sờ tay vào chén đĩa trên bàn, mở khay xem đồ ăn, chòng chọc nhìn thậm chí hỏi trống không những người xung quanh trong khi cha mẹ chúng mải trò chuyện, ăn uống hoặc lờ đi. Khi được nhân viên nhà hàng góp ý, có phụ huynh còn chống chế: “chúng là trẻ con, chấp làm gì”, “mấy cái phép tắc lớn lên khắc biết”.
Gặp vài bé biết cách cư xử nơi bàn ăn, bạn tôi mừng rỡ tìm hiểu thì biết rằng, đó là con của gia đình Việt kiều về thăm quê.
Bạn thắc mắc: sao nhiều cha mẹ đủ điều kiện đưa con lui tới những nơi “giàu” mà không dạy con cư xử “sang”?

**

Đúng là thời nay nhiều gia đình Việt thường chú ý dạy con gái trong nhà phép tắc lễ nghi, sinh hoạt giao tế ý tứ nhưng có phần “lơi lỏng” trong việc quản lý con trai và không ép vào khuôn khổ mấy. Trẻ đâu nhất thiết phải bắt chước “nguyên xi” phong cách của người lớn mới được gọi là lịch thiệp (hôn tay phụ nữ chẳng hạn), chỉ cần lễ phép và biết một số nguyên tắc là đủ:

🔹 Một đứa trẻ có giáo dục luôn biết nói “Cảm phiền”, "Vui lòng” khi muốn một thứ gì đó hay định nhờ vả người khác và “Cảm ơn" khi nhận được lời góp ý hay cử chỉ/đồ vật từ người khác. Quan trọng không kém là biết cách nhận lỗi và “Xin lỗi” khi mình mắc lỗi hoặc làm phiền người khác.
Biết chào hỏi và giới thiệu. Dùng ngôn từ chuẩn mực khi nói và viết.

🔹 Kiên nhẫn chờ đợi: Bắt đầu từ việc xếp hàng theo thứ tự, đúng lượt, sau này đến lớp sẽ biết thỏa thuận, thương lượng với bạn bè để có được cái mình muốn hoặc rút lui đúng lúc. Một khi cả hai bên hoặc chỉ cần một bên biết cư xử như vậy làm gì còn tình trạng giành giật, chen lấn, xô đẩy dẫn đến cãi nhau, xô xát.
Việc tham gia các trò chơi cũng giúp các con nắm được luật chơi, nước đi, chấp nhận thua thắng mà không cáu kỉnh, cộc cằn.
Trồng cây hoặc nuôi con vật cũng dạy con kiên nhẫn và biết quan tâm công việc, phân chia thời giờ và hoàn thành “kế hoạch”.

🔹 Biết điều/hiểu chuyện: Không làm ồn nơi công cộng như la lối chạy nhảy lung tung hoặc khóc lóc nằm lăn ra đất ăn vạ hoặc nói lải nhải. Không cắt ngang lời người khác dù là người trên hay bạn bè. Không bình phẩm, chê bai ngoại hình của người khác. Gõ cửa hoặc xin phép trước khi vào phòng. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi, ngáp. Không chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm vào mặt người khác. Không đùa quá trớn,…

🔹 Có kỹ năng gia đình: biết đi chợ, nấu ăn và dọn dẹp đâu ra đấy. Nhiều phụ nữ từ Đông sang Tây tâm sự rằng, một người đàn ông đứng lên ở bàn ăn nói “Để tôi giúp một tay” là lúc họ tỏ ra nam tính nhất, và khi đứng nấu bếp thì quyến rũ cực kỳ!
Gọn gàng, ngăn nắp (đây đâu chỉ là yêu cầu dành cho phụ nữ, mà là kỷ luật của doanh trại quân đội đấy chứ)

🔹 Luôn đúng giờ: “Thanh niên nói được làm được”, “đáng mặt đàn anh” thể hiện qua việc đúng hẹn, hoàn thành bài tập, giữ lời hứa. Nhờ vậy sau này sẽ biết giữ chữ tín, vay mượn sòng phẳng, không sa đà.

🔹 Giao tiếp với người khác, nhất là với phụ nữ một cách đứng đắn, đúng mực: Không nhất thiết phải mặc đồ đắt tiền, bắt mắt, điều quan trọng là cha mẹ cần dạy cho trẻ tự thay đồ, mặc đồ gọn gàng mỗi khi đi ra ngoài (bắt đầu từ việc biết mặc quần đùi, quần sịp và giặt giũ phơi phóng nó).
Tắm rửa sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, quần áo tươm tất đã đủ "ra dáng" một cậu bé chững chạc, đường hoàng rồi. Thường những tiếng thở dài của phụ nữ trong nhà hầu như từ những chuyện vụn vặt như đàn ông lười tắm, lôi thôi luộm thuộm, "buông quăng bỏ vãi".
Không trêu chọc bắt nạt, không "động tay động chân" khi tiếp xúc với các bạn gái mà nên tôn trọng, quan tâm, tương trợ khi cần.
Biết khen/tặng quà người thân dù nhỏ bé, tự tay làm hoặc mua từ tiền tiết kiệm được.

🔹 Nếu biết thêm được một môn thể thao, nghệ thuật và có óc hài hước thì quá tuyệt!

🍁Nguyên lý 3K
Con cái là hình phản chiếu của cha mẹ và… phóng đại hơn. Muốn dạy con trai trở thành một cậu bé lịch thiệp thì cha mẹ, nhất là người cha và những người đàn ông trong gia đình phải làm gương và nhất quán (đừng có kiểu ra ngoài thì lịch lãm ngút ngàn, về nhà thì….🙄)

• KHUYẾN KHÍCH: không trêu chọc, mỉa mai khi con tỏ ra người lớn mà hãy cổ vũ, ghi nhận. Khích lệ con đọc sách và các ấn phẩm văn hóa.

• KHEN NGỢI cho mỗi cố gắng của con dù không đạt được kết quả như mong muốn, khiến chúng muốn khám phá và không sợ thất bại. Nhà tâm lý học Pickhart – tác giả của 15 cuốn sách dạy con nổi tiếng lý giải: “Luyện tập để trở nên tự tin, rồi khả năng sẽ dần cải thiện”.

• KHÔNG NGHĨ HỘ, LÀM HỘ để chứng tỏ sự tín nhiệm con mình. Nhiều cô vợ chán nản khi có ông xã lúc nào cũng “mẹ anh bảo thế”, "để anh hỏi bố", “anh không biết” và cái gì lặt vặt trong nhà cũng phải đi thuê.

Louisa May Alcott (1832 – 1888), tiểu thuyết gia người Mỹ đã nói: “Người đàn ông hào hoa thực sự sẽ lịch sự trước một cô nhóc cũng như trước một người phụ nữ”. Cũng vậy, chúng ta hãy bày tỏ sự cảm kích trước mỗi lời nói, cử chỉ đẹp của một cậu bé như với một người đàn ông lịch thiệp mai sau.

Bs Nguyễn Lan Hải.

0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
Nuôi dạy con
Chia sẻ, học hỏi cách nuôi dạy con khoa học nhất
TÌM KIẾM