Thuy Ngoc Duong VIP
CHUYỆN SỮA MẸ VÀ EM BÉ EASY

Nhiều mẹ hay hỏi: Con em ti mẹ có EASY đc ko? hay là Con em hay ngủ lúc ti mẹ lắm nên ko thể thực hiện EASY cho bé đc, Sữa em ít quá làm sao mà theo EASY?

Mẹ Bơ viết tặng các mẹ 1 bài về việc thực hiện EASY đối với các bé uống sữa mẹ hoàn toàn!

Bài sẽ rất rất dài nhưng là tâm huyết Mẹ Bơ muốn gửi các mẹ đọc tham khảo, đặc biệt các mẹ đang trong giai đoạn đầu thực hiện Easy.

Kinh nghiệm được tích luỹ qua quá trình tìm hiểu đọc sách, duy trì Easy và sữa mẹ cho bé Bơ đến hiện tại là hơn 14 tháng (trong khi vẫn dư sữa để tặng các bé khác k đủ sữa mẹ)!

Các mẹ đóng góp và cho MB ý kiến để bài viết thêm hoàn chỉnh ạ!

-----

⁉ LÀM SAO ĐỂ BIẾT CON TI CÓ ĐỦ NO? nhìn vào bỉm của con (~6 tã ướt màu vàng nhạt/ngày), cân nặng của con tăng cân đều đặn theo biểu đồ tăng trưởng của WHO hoặc CDC, sự thỏa mãn của con giữa các cữ bú…

✔Ngoài ra, đối với các bé theo EASY, nếu con bú đủ thì con sẽ thức đủ thời gian của khung giờ EASY, ngủ đủ thời gian giấc ngày mà không dậy đòi ăn, giấc đêm không dậy liên tục đòi ăn thì tức là con đã ăn đủ no. Nếu con dậy trước khung giờ EASY thì mẹ vẫn nên để con trong môi trường ngủ và thực hiện giãn cữ cho con để dần con sẽ học cách “ăn no” cho khung giờ EASY của con. Con ăn no vào ban ngày thì ban đêm con cũng sẽ ngủ ngon chứ không bị lục đục dậy nhiều lần đòi ăn. Ví dụ, con 3 tuần tuổi đang sinh hoạt theo khung giờ EASY 3, con sẽ thức chơi ngoan trong khoảng 45-60 phút, ngủ đủ 2h, đêm ăn 2 lần khoảng 10-11h đêm (bữa dreamfeed) và khoảng 2-3h sáng và ngủ đến sáng, như vậy là con đã ăn đủ no.

✔Nếu con nặng hơn 2.9kg, cữ bú cách dưới 2.5-3 giờ, con không ti được vài chục ml sữa hay bú mẹ không quá 10 phút mỗi lần bú thì con đang bị ăn vặt. Khi đó, cần kiểm tra khớp ngậm, kiểm tra để chắc chắn xem mẹ có đủ sữa không. Nếu con bú trực tiếp thì nên cho con bú cạn 1 bầu ngực trước khi chuyển sang bầu còn lại, đảm bảo con bú được sữa béo hay sữa cuối. Nếu con khóc sau 2 giờ, thực hiện giãn cữ cho con bằng cách dùng núm vú giả để tăng thời gian chờ từ 10 phút ngày đầu – 15 phút ngày thứ 2, để khoảng thời gian các bữa ăn của con lâu dần ra.

✔Bé ti mẹ muốn biết lượng sữa bé ăn được trong 1 bữa thì có cách kiểm tra lượng sữa mẹ tiết ra trong 1 cữ theo cách Tracy Hogg: để biết con ăn vặt hay do bản thân tiết không đủ sữa: vắt sữa để kiểm tra. Một lần mỗi ngày, 15p trước 1 cữ bú nào đó, hãy vắt để xem sữa mẹ tiết được bao nhiêu. Giả sữa được 60ml - như vậy mẹ sẽ biết là con sẽ bú được 90ml (bú thường hiệu quả hơn vắt). Sau đó hãy cho con ti số sữa đã vắt đó. Hoặc cách khác: mẹ cho con tiếp tục bú mẹ, vắt kiệt sữa trong ngực mẹ rồi sau đó mới cho con ti nốt số sữa đã vắt ra.

❌Tuy nhiên, đối với bản thân mình, khi cho con ti mẹ, mình cảm thấy đỡ áp lực hơn vì không cần đo lượng sữa con ăn được bao nhiêu và so sánh với “con-nhà-người-ta”, chỉ cần thấy con ăn no, chơi vui và thỏa mãn sau mỗi cữ bú thì mình biết con đã ăn no đủ cho nhu cầu của con và tiếp tục tận hưởng niềm hạnh phúc cho con ti mẹ ạ. Đối với mẹ cho con ti bình, nếu con ăn hết sữa trong bình/ cữ thì mẹ tiếp tục tăng thêm 30ml vào bình cho con trong cữ ăn sau nếu không con sẽ ăn k đủ no.
Thời gian ti mẹ: Xem trong bảng sách “Đọc vị mọi vấn đề của trẻ” – Tracy Hogg.

Nhiều mẹ dùng máy hút sữa để hút sữa mẹ cho con ti bình để cảm thấy yên tâm về lượng sữa con ăn được. Nhưng nhiều mẹ lại e ngại rằng:

DÙNG MÁY HÚT SỮA KHIẾN SỮA MẸ GIẢM ĐI?

✔ĐÚNG vì lực hút của máy hút sữa không thể mạnh bằng cho con ti trực tiếp, nên chỉ hút mà không cho con ti thì lâu dần sẽ bị giảm sữa do sữa mẹ sản xuất theo nhu cầu nên nếu thấy nhu cầu ít đi thì sữa mẹ tự động giảm.

✔SAI vì dùng máy hút sữa đúng cách không bao giờ khiến sữa giảm mà còn là cách giúp kích sữa và tăng nguồn sữa mẹ. Có 2 cách kích sữa dùng máy hút hoặc không dùng máy hút:

👉 Phương pháp ko dùng máy hút: mẹ cho con bú nhiều lần, mỗi lần cách nhau 2h trong vài ngày liền để sữa mau về. Ngậm đúng khớp và mút mạnh -> kích thích các xoang và gửi tín hiệu lên não mẹ “Tiết sữa, tiết sữa!!!”. Khi sữa đã về và con đã học cách bú đủ no, các bữa có thể cách nhau 2.5h-3h. Nếu các lần bú không tự động giãn cách lâu hơn trong 4 ngày, hãy lưu ý kiểm tra và giúp con tránh ăn vặt.

👉 Phương pháp dùng máy hút: Hãy vắt sữa ngay sau khi cho con ăn hoặc nghỉ 5-10 phút rồi vắt. Nếu con ăn cách nhau mỗi 2h nhất là thời gian đầu mới sinh cữ ăn của con chưa đủ dài, vẫn nên vắt tiếp để sữa được rút cạn hoàn toàn. Vào lần bú sau, khi mút, trẻ gửi tín hiệu lên cho bộ não mẹ, yêu cầu “Thêm sữa, thêm sữa!” và cơ thể mẹ dần điều chỉnh tăng thêm cho đủ chứ không phải con chỉ bú thừa từ lần ăn trước. Nếu các mẹ dùng máy hút sữa hoàn toàn thì thời gian đầu khi kích sữa cần hút đều đặn cữ hút 2.5-3h/lần. Đối với các mẹ sữa về chậm thì nên hút thời gian dài hơn để sữa tiết ra đủ cho nhu cầu của con ăn vì sữa thường về theo đợt, có khi hút trên 30 phút/ lần, khi hút có thể nghỉ 5 phút và uống thêm nước ấm, sữa ấm để sữa mẹ về, xem phim, đọc sách khi hút sữa tránh căng thẳng nhìn bình sữa hút liên tục.

Sau khoảng 3 ngày thì sữa mẹ tăng lên.

CÁCH TĂNG LƯỢNG SỮA MẸ ĐẶC BIỆT GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN NHẢY VỌT

✔Giai đoạn phát triển nhảy vọt: giữa 1-3 tuần, giữa 6-8 tuần, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng.

Dấu hiệu: con đòi ăn thường xuyên hơn (đang từ chu kỳ 3h/lần thì con đòi ăn sau khi ăn khoảng 1-2 giờ), dậy giờ thất thường nhiều hơn vào buổi đêm, cáu gắt hơn bình thường

✔Cách tăng lượng sữa trong giai đoạn phát triển nhảy vọt:

+ Cho bú thường xuyên hơn vào ban ngày theo cữ từ EASY 3 chuyển sang EASY 2.5. Sau giai đoạn phát triển nhảy vọt thì con lại quay về cữ EASY cũ.

+ Dùng máy hút sữa để kích sữa sau khi con bú xong hoặc cho con nghỉ vài phút rồi tiếp tục cho con bú thêm bên vừa cho bú khoảng 5-10 phút để gửi tín hiệu cơ thể mẹ sản xuất thêm sữa cho con.

✔Ngoài ra để tăng lượng sữa, mẹ luôn nhớ:

+ Mẹ cần ngủ đủ, nghỉ ngơi đủ.
+ Ăn uống đủ chất, ăn thêm 500 calo - 50% carb(tinh bột), 25-30% chất béo, còn lại là đạm -> k nên cắt giảm tinh bột trong thời kỳ cho con bú
+ Uống đủ nước: sữa hạt, sữa bò ấm, các loại nước lá ấm được tin là lợi sữa...

LÀM SAO ĐỂ BÉ NGẬM ĐÚNG KHỚP TI MẸ?

Theo Tracy Hogg:
+ Đặt con vào một cái gối chắc chắn hoặc gối chuyên dụng cho con ti và đặt vào phần gập cánh tay mẹ, đầu con ngang tầm ngực mẹ để con không phải rướn cổ. Đặt ngón cái ở trên núm vú 2.5-3cm, ngón trỏ dưới núm vú 2.5-3cm sau đó bóp nhẹ
+ Nhẹ nhàng nâng đầu con và ấn nhẹ đầu ti vào miệng con và xem môi con đã ôm chặt núm vú chưa, môi trẻ ngậm trọn núm vú và quầng vú
+ Nếu con không ngậm đúng khớp, môi dưới của con bị gập ngược và nút vào trong miệng. Nếu miệng ở quá trên núm vú, con cũng không ngậm chặt được núm vú

🆘 Dấu hiệu biết con ngậm đúng khớp hay không:
+ Cảm giác đau rát núm vú kéo dài
+ Đầu ti đau buốt như bị châm khi con bú
+ Đầu ti bị rộp lên -> tay mẹ đặt sai vị trí
+ Mẹ không khỏe - sốt, rùng mình, đổ mồ hôi trộm- và có bất cứ dấu hiệu nào của việc đau nhức, sưng phồng ở ngực -> có vấn đề (cương ngực hoặc tắc sữa) cần đi gặp bác sỹ nếu triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần.

BÚ MẸ VÀ BÚ BÌNH SỮA MẸ

✔Nên giới thiệu bình cho con ngay khi con ngậm đúng khớp và mẹ có sữa đủ, khoảng 2-3 tuần sau sinh. Cho trẻ ti bình ít nhất 1 lần trong ngày: để bố cho ăn trc khi đi ngủ hoặc bà cho cháu bú bình vào buổi chiều. Nếu cho trẻ tập muộn thì chắc chắn con sẽ không chịu hợp tác.

✔Thường các bé nếu bú song song ti mẹ và ti bình từ lúc sinh ra thì thường bé sẽ yêu thích 1 trong 2 thứ và sẽ ti mẹ hoặc ti bình hiệu quả hơn. Có bé sau 1 thời gian có thể bỏ 1 trong 2. Tuy nhiên mẹ vẫn nên cố gắng tập lại cho con để duy trì song song cả 2.

❗Tập ti mẹ với những bé ti mẹ rất ít và kém hiệu quả. Mình k hề muốn con bỏ ti mẹ vì lợi ích của việc ti mẹ trực tiếp là: sữa luôn tươi ngon, nguyên chất nhất; con là chiếc máy kích sữa tuyệt vời nhất; tiện khi đưa bé đi chơi cùng, mẹ chỉ việc kiếm 1 chỗ và cho con ti là xong những lúc con ốm đau thì việc ti mẹ giúp cơ thể nhận được tín hiệu từ cơ thể con; và còn là khoảng thời gian thư giãn của 2 mẹ con…

Tập ti mẹ cho con:

+ Trước hết cần tập cho con ngậm đúng khớp ngậm ti mẹ nếu chưa đúng. Các bé ti mẹ ngậm chưa đúng khớp thường ti mẹ kém hiệu quả và dễ bỏ ti mẹ và thích ti bình hơn.

+ Thực hiện da-tiếp-da với con nhiều hơn, 2 mẹ con k mặc áo, đắp chăn lên và ôm con khi con mới ngủ dậy, con sẽ cảm nhận được hơi ấm cơ thể và mùi sữa mẹ, giúp gắn kết tình cảm mẹ con.

+ Những ngày tập lại ti mẹ con sẽ không ăn ti bình, có thể những ngày đó con sẽ không có nếp sinh hoạt gì, tuy nhiên nếu vẫn duy trì được nếp sinh hoạt được thì tốt nhất. Cữ ăn của con có thể sẽ dày hơn, mẹ có thể lựa cho con ăn lúc con mới dậy và lúc con chuẩn bị đi ngủ thì sẽ đảm bảo con no để ngủ đủ thời gian của khung giờ Easy. Và khi con đã quen ti mẹ rồi, sẽ ti tốt hơn thì mẹ thực hiện giãn cữ cho con dần chuẩn về khung giờ Easy.

❗Tập ti bình: Khi con ti mẹ tốt, lại có vấn đề xảy ra là con lại không chịu ti bình.

✔Nếu con dưới 6 tháng tuổi, mẹ chỉ cần giới thiệu bình cho con vào lúc con đã ăn no, k cần quá gay gắt với bé. Mỗi ngày, để 1 chút sữa mẹ vào bình, để vào miệng con, cho con chơi với bình hàng ngày. Vào 1 ngày đẹp trời con sẽ ti bình thôi ạ. Mình đã thử cho Bơ dùng thử bình Comotomo (trước vẫn dùng nhưng sau khi ti mẹ thì tập Como không hiệu quả) và Pigeon thì thấy bình Pigeon bạn Bơ đã hợp tác vì thấy đầu của Pigeon mềm hơn đầu ti của Comotomo, có bé hợp tác bình Avent. Mỗi bé khác nhau nên các mẹ cũng nên thử để biết con mình hợp tác loại bình nào.

✔Nếu con đã được 6 tháng hoặc hơn, nên cân nhắc cho con uống thẳng bằng cốc có ống hút và bỏ qua ti bình. Nếu tiếp tục, nên lưu ý:

+ Hãy tìm một núm vú giống đầu ti mẹ nhất: chọn 1 loại và nếu con bạn chịu ngậm, đừng đổi núm vú.Trừ khi núm làm con bị nghẹn, trào hay sặc, mẹ dùng loại núm chảy chậm loại này khi dốc ngược bình sữa sẽ k nhỏ ra, sữa chỉ chảy khi có cử động bú mút của bé.

+ Hãy bắt đầu cho con ăn bình vào bữa ăn đầu tiên trong ngày, khi con đói nhất

+ Không bao giờ ép con ti bình: Để núm bình trở nên hấp dẫn hơn, hãy nhúng bình vào nước ấm (giống cơ thể mẹ). Hãy đặt nhẹ nhàng núm vào miệng con và cọ nhẹ vào môi dưới của con – kích thich phản ứng bú mút ở trẻ. Nếu trong 5 phút mà con k ngậm núm ti bình, dừng lại và thử lại sau 1h.

+ Ngày đầu tiên, cứ 1 tiếng lại thử 1 lần -> cần kiên trì từ mẹ

+ Mẹ cần là người đầu tiên dạy con ti bình trước khi để người thân hoặc cô trông trẻ thử cho con ăn

+ Chấp nhận và sẵn sàng vượt qua - trận bãi công nhin đói: trẻ sẽ bú khoảng 30-60ml từ bình sau 3 hoặc 4h k được bú mẹ. Đợi con ổn định với bình vài ngày và tăng dần lượng sữa trong bình lên thì mới cho ti mẹ trở lại.

+ Sau đó cho con bú bình ít nhất 1 lần/ngày

*Cai bú bình cho trẻ nếu trẻ đã 2 tuổi hoặc hơn.

⁉ CAI TI ĐÊM CHO BÉ

✔Mẹ có thể cai ti đêm cho bé vào giai đoạn con biếng ăn sinh lý (thường vào khoảng 12 tuần, nhiều bé biếng ăn) hoặc khi ăn đêm ảnh hưởng lượng ban ngày thì mẹ cân nhắc cai ti đêm cho con.

✔Các cách cai ti đêm cho con thì có rất nhiều cách theo như trong sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến” như là ti nước, ti giả, giãn cữ, cắt cữ…(mẹ tham khảo thêm trong sách). Còn bản thân mình cai ti đêm cho con khi con khoảng hơn 12 tuần. Khi đó bạn Bơ tự động giảm sữa cữ dreamfeed xuống dần dần và khi đó mẹ nghĩ ngay đến cắt dần bữa dreamfeed cho con vì có thể ban ngày bạn đã ăn đủ nhiều để ban đêm bạn giảm lượng dần. Khi cắt dreamfeed thì mình thực hiện giảm dần lượng sữa bữa dreamfeed và tự nhiên có hôm mẹ ngủ quên và con cũng không dậy đòi ăn cữ đó nữa mà dậy ăn khoảng từ 1-2 giờ sáng. Sau 1 thời gian, quan sát thấy lượng ăn ngày của con cũng không tốt tầm khoảng 13-14 tuần con cũng biếng ăn sinh lý nên mẹ bắt đầu cắt nốt bữa 1-2 giờ sáng cho con. Cữ đó bé Bơ ti mẹ nên mẹ cắt bằng cách giảm dần thời gian ti mẹ của Bơ. Và sau vài hôm thì không cho ti nữa và cố gắng dỗ con ngủ lại theo phương pháp 4S (vỗ con đứng trên vai kết hợp bật tiếng ồn trắng to để át tiếng khóc của con đánh lạc hướng con giúp con quên cơn đói và ngủ lại). Sau vài hôm là ổn, Bơ cai ti đêm. Sau đó, cũng có những hôm Bơ dậy đêm, trùng đợt khủng hoảng ngủ kèm nợ ngủ khoảng tầm 19 tuần, mẹ cũng mệt quá và cho con ti lại 1 vài hôm (không khuyến khích thực hiện cho con ti lại vì sẽ khiến khủng hoảng ngủ càng kéo dài!) và sau đó lại thực hiện cai ti đêm lại nhưng không vất vả dỗ ngủ lại như trước. Tầm khoảng 4 tháng trở đi, mẹ có thể thực hiện CIO và cho con ngủ riêng phòng để tránh ngửi thấy mùi sữa mẹ khi con tỉnh dậy đòi ăn.

CHO TI MẸ CÓ THỰC HIỆN ĐƯỢC EASY KO?

Hoàn toàn có thể

Mẹ thực hiện giãn cữ ăn cho con theo khung giờ Easy (tăng thời gian chờ dần 10-15p/cữ ăn mỗi khi bé khóc đòi ăn). Thường những bé mới sinh sẽ dễ ngủ quên khi ti sữa đầu của mẹ chứa oxytocin gây buồn ngủ, nên mẹ có thể thực hiện vắt bớt sữa đầu ra (sữa màu trắng trong đến khi chuyển dần sang trắng đục) để dành cho con ti nốt vào cuối cữ ăn thì con sẽ bớt ngủ quên trên ti mẹ hơn và mẹ dễ thực hiện lịch Easy cho con. Cách này giúp con tránh ăn chưa đủ no dẫn đến ăn vặt rồi ngủ vặt luẩn quẩn. Nếu con vẫn ngủ thì mẹ cần ĐÁNH THỨC CON DẬY cho con ăn lúc thức để tránh tình trạng ngủ quên ăn nhưng ngủ được chút lại dậy. Tuyệt đối không dùng ti mẹ làm công cụ để cho con ngủ ngay từ đầu nếu không sẽ tạo thành thói quen cho con là phải có ti mẹ mới ngủ, luôn để con ăn khi thức để con nhận biết được nhu cầu no đói và sẽ thuận lợi hơn khi tập cho con ăn dặm. Nếu có thể, hãy cho con ngủ cũi riêng vì ngủ chung nhiều khi mẹ rất dễ để con ăn tuỳ tiện vào ban đêm để con ngủ luôn cho yên, đêm có khi cho con ti đến chục lần vì con chưa ăn no đã ngủ, dần sẽ ảnh hưởng đến lịch ăn ban ngày.

SINH MỔ KHÔNG CÓ SỮA CHO CON?

Chắc chắn có sữa rồi!

Bà mẹ nào cũng đủ sữa cho con, chỉ cần làm đúng cách! Những ngày đầu sinh mổ quả thật sữa mẹ về rất chậm và ít, phần vì con chưa ngậm đúng khớp ti mẹ nên ti cũng kém hiệu quả hơn. Mẹ Bơ cho Bơ dặm thêm chút sữa công thức mấy ngày đầu và trong thời gian này kết hợp kích sữa cho con (theo những cách trên). Chỉ khoảng 10 ngày tuổi là Bơ không cần thêm chút sữa công thức nào nữa rồi. Do mẹ cháu muốn cho Bơ theo Easy 3 luôn từ lúc ở viện nên dặm thêm sữa công thức, còn nếu mẹ không muốn cho con dùng sữa công thức thì có thể thực hiện cho con bú nhiều hơn trong 3 ngày đầu tiên để sữa về sau đó thực hiện cho con bú cạn 1 bên ngực rồi mới chuyển sang bên kia: ngày đầu cho con ti 5 phút mỗi bên ngực bất kỳ khi nào con muốn; ngày thứ 2 ti 10 phút mỗi bên ngực các cữ cách nhau 2 tiếng và ngày thứ 3 ti 15 phút mỗi bên ngực và các cữ cách nhau từ 2.5 tiếng. Dần tăng dần các cữ cách nhau 3 tiếng những ngày tiếp theo.

Tham khảo kinh nghiệm mẹ sinh đôi vẫn đủ sữa mẹ hoàn toàn cho con và theo EASY, đến hiện tại là 11m+: “Mình cho con theo easy từ 5w và áp dụng triệt để lịch sinh hoạt các mom ơi. Lúc đó con còn bé nên m hút đều cữ 3 tiếng 1 lần, canh me thời gian con ngủ và hiểu giấc ngủ của con, thường thì 30p đến 45p con sẽ chuyển giấc nên t tranh thủ hút khi con vừa ngủ. Hoặc lúc thức thì tập con chơi tự lập, mua các giáo cụ về cho con chơi. Khi nào con tăng đô sữa thì m lại đôn cữ kích lên khoảng 2-2,5 tiếng. Đôn lên tầm 3-4 ngày thì lại nhả ra về 3-3,5 tiếng. Hút 1 lần 30p, cảm nhận đủ 3 lần xuống sữa thì mới ngưng, ko hút quá lâu. QUAN TRỌNG NHẤT LÀ MẸ PHẢI ĂN UỐNG NGỦ NGHỈ HỢP LÝ.

Mẹ Bơ - Thuy Ngoc Duong

0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
EASY - Luyện ngủ
Hội chia sẻ phương pháp EASY và các phương pháp Luyện ngủ cho bé
TÌM KIẾM