Mamibabi Tư vấn
DẠY TRẺ LÀM VIỆC NHÀ

Làm cách nào dạy trẻ làm việc nhà và tự lo việc của mình nếu gia đình có người giúp việc?

Hồi xưa lúc còn dạy PT tại 1 trường tư, khi phụ huynh than phiền là học sinh không biết làm gì và không tự giác lo việc của mình, mình tư vấn phụ huynh là hãy tập cho con tự lo 1 số việc đơn giản của mình ở nhà trước. Phụ huynh nói là: nhà có người giúp việc, nên ngay cả thay đồ ra, em ấy cũng để ngoài sàn, có người dọn rồi. Phụ huynh đã nói vậy thì mình đành bó tay.

Không hiếm việc hiện nay chúng ta bắt gặp các gia đình thành thị có người giúp việc trong nhà và trẻ con trong nhà không làm gì trừ vui chơi và học hành. Thậm chí có những gia đình không có người giúp việc, nhưng tâm lý phụ huynh cưng chiều con, muốn con chỉ lo học mà làm hết việc cho con.

Điều này dẫn đến có những đứa trẻ không có cơ hội để rèn luyện những kỹ năng cơ bản nhất cho việc sống độc lập: dọn dẹp nhà, giặt quần áo, nấu cơm (hoặc tự lo 1 bữa ăn đàng hoàng cho mình),...Hồi xưa mình từng có những học sinh học đến lớp 11 rồi mà còn không biết cầm dao gọt trái cây. Sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng nếu bố mẹ cứ mãi còn khoẻ để chăm lo cho con, hoặc đứa con cứ mãi còn nhỏ để sống cùng với gia đình. Nhưng rồi ngày tháng qua, đứa trẻ khi còn nhỏ được chăm chút từ A-Z đó xa gia đình ở 1 mình (hoặc với người khác), ví dụ vào đại học, đi du học, lập gia đình,... bố mẹ mới giật mình và cả chỉ trích: sao mày to đầu rồi mà không biết làm?

Sẽ không thể có 1 đứa trẻ xưa giờ chưa cho làm gì, bỗng 1 ngày biết làm cả. Đó là 1 quá trình nuôi dạy, trao cơ hội để tập làm, thử sai, từ không biết đến biết, từ lóng ngóng, làm hư đến thuần thục. Nhưng nếu ở nhà người giúp việc làm hết, hay người lớn làm hết, thì chúng ta trao cơ hội cho trẻ ra sao?

Điều chắc chắn là, chúng ta cần phải bớt công việc của người giúp việc/người lớn làm dùm những việc mà trẻ làm được liên quan đến cuộc sống hằng ngày của trẻ. Ví dụ: nếu có người lau nhà, thì trẻ tập gấp chăn mền mỗi ngày ngủ dậy; nếu có người rửa chén thì trẻ tập dọn bàn ghế khi tới giờ cơm; nếu có người giặt ủi đồ thì trẻ tập giặt đồ lót, khăn tay, 1 cái áo lớp hoặc đơn giản là biết đem đồ dơ vào đúng chỗ,...Điều này sẽ kéo theo người lớn trong nhà, để tập cho trẻ làm, phải cùng làm với trẻ (thay vì khoán hết việc cho người giúp việc). Trong những khoản thời gian mà người giúp việc về quê, hoặc gia đình có việc gì đó, cũng là cơ hội để bố mẹ dạy trẻ làm việc nhà, thay vì mình làm hết. Ví dụ hồi tháng 3, khi có đợt giãn cách xã hội, nhà mình cũng ngại người giúp việc đi ngoài đường rồi vô nhà nên cho chị ấy tạm nghỉ 2 tuần. Trong 2 tuần đó, nàng nhà mình phụ mẹ đem đồ đi giặt, sau đó phơi đồ (dĩ nhiên có mình hướng dẫn).

Mỗi lần mình rửa chén, mình đều yêu cầu nàng nhà cùng tráng rửa chén với mình. Khi vắt cam cho nàng uống, mình tranh thủ dạy nàng cắt cam, lắp máy vắt và vắt như thế nào. Ăn cơm xong, nàng thường ăn chậm, sẽ phụ trách dọn chén bát xuống sàn nước. Mỗi buổi chiều, sau khi học về, ăn cơm xong còn no bụng chưa học bài được, nàng thường lên phòng ủi đồ phụ chị giúp việc. Và mình thường khuyến khích nàng tranh thủ phụ làm việc nhà cùng chị giúp việc như thế... Cứ những việc nho nhỏ như vậy, và bất kỳ khi nào có cơ hội, mình đều kéo nàng vô cùng có trách nhiệm làm việc nhà với mình. Dần dần nàng sẽ quen, và cũng thấy thích vì được tự mình làm những công việc mà đa số chỉ có người lớn làm. Nàng không chỉ học kỹ năng, mà còn học có trách nhiệm với việc trong gia đình. Khi tất cả mọi người trong gia đình ai cũng bận, thì ai làm được việc gì phải phụ làm việc đó.

Có 2 khó khăn khi cho trẻ tập làm việc nhà mà phụ huynh thường nản và bỏ cuộc:

- Khi quan niệm của những người lớn khác trong nhà khác quan niệm của mình, nhất là ông/bà, thì việc thuyết phục những người lớn khác cũng trao cơ hội cho trẻ làm việc nhà là khó. Những câu kiểu: nó còn nhỏ quá biết làm cái gì, để tao làm cho nhanh, nó vô nó quậy chứ làm được gì đâu, thôi để yên cho nó học hành,... điều vô cùng phổ biến. Khi đó, chỉ bằng cách phụ huynh phải làm việc nhà, và cho trẻ làm cùng mình để hướng dẫn trẻ thì mới dần dần thay đổi. Việc này đòi hỏi phụ huynh phải ở nhà nhiều hơn, ở cùng trẻ nhiều hơn và tập xem việc học (bài vở) không phải là ưu tiên số 1 duy nhất của 1 đứa trẻ, mà học kỹ năng hằng ngày cũng phải là 1 ưu tiên, từ đó thuyết phục các người lớn khác cùng mình cho ưu tiên đó.

- Kiên nhẫn khi trẻ lóng ngóng vụn về khi bắt đầu làm 1 cái gì mới, không sốt ruột. Phụ huynh chấp nhận trẻ học sử dụng dao thì phải đôi lần bị đứt tay chảy máu, trẻ rửa chén bát phải làm vỡ chén, trẻ học tự giữ đồ của mình sẽ làm rơi mất,...Hình dung những hệ quả có thể xảy ra, hướng dẫn kỹ lưỡng, tập làm từ dễ đến khó, chuẩn bị các phương án dự phòng,... sẽ giảm thiểu những hệ quả tiêu cực. Và mỗi khi trẻ làm sai, đừng làm trẻ hoảng sợ (bằng cách hù doạ, quát tháo,...). Thay vào đó, cho trẻ tự rút ra bài học, hướng dẫn lại cho trẻ tập làm,... dần dần trẻ sẽ quen.

Sắp đến tết, nhà nào cũng dọn nhà, và trong tết thì người giúp việc về quê. Sao chúng ta không thử trao cơ hội cho trẻ?

Tác giả: Tô Thị Hoàng Lan
Nguồn ảnh: Vietnamnet

0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
Nuôi dạy con
Chia sẻ, học hỏi cách nuôi dạy con khoa học nhất
TÌM KIẾM