NGƯỜI TA ĐANG CHÌM THÌ KHÔNG PHẢI LÚC ĐỂ BẮT HỌ HỌC BƠI
Đâu như hồi lớp 10, đang dắt chiếc xe máy, ngón chân cái của mình quẹt phải chiếc chân chống. Móng chân bật ra. Lũ bạn đưa vào đâu đó, mình không còn nhớ rõ, chỉ nhớ quanh ngón chân sùi bọt lên và xót kinh khủng vì oxy già. Đó là cái đau xác thịt. Vết thương thịt da cần oxy già để khử trùng.
Hãy cùng quay ngược thời gian, bạn thử nhớ lại xem, trong suốt thời thơ ấu, khi bạn đang ở trạng trái buồn bã nhất, căng thẳng nhất, mệt mỏi nhất, câu nói nào của cha mẹ khiến bạn nghẹn đắng lại, câu nói nào dễ dàng khiến sợi dây cảm xúc kết nối giữa bạn và cha mẹ trở nên mong manh hơn, câu nói nào khiến bạn cảm thấy như là cả thế giới đang quay lưng lại với bạn?
- “Sướng chưa? Ai bảo nói không nghe”.
- “Đã bảo rồi mà, cá không ăn muối cá ươn”.
- “Cãi cho lắm vào, giờ thì cho chừa”.
Có phải ba câu này cũng nằm trong số những câu nói mang tính sát thương cao đó?
Như một phản xạ tự nhiên, khi con cái bị thương, không ít cha mẹ ngay lập tức dùng oxy già nhỏ vào vết thương với suy nghĩ để kháng khuẩn và tăng hàng rào bảo vệ. Nhưng cha mẹ ơi, vết thương giờ đây không phải trên thịt da, mà là tận trong tim. Mỗi cơn đau khác nhau cần những liều thuốc chữa trị khác nhau. Chuyện dù to dù nhỏ, thì cơn đau ở tim vẫn là cơn đau cần được xoa dịu trước tiên, rồi sau đó mới là tiêm kháng khuẩn. Khi người ta đang chìm, cái họ cần là phao, chứ không phải là những bài học để làm sao bơi tốt hơn.
Người lớn đôi khi rất tệ trong việc thấu hiểu cảm xúc. Khi con cái bị điểm kém hay khi chẳng may bị cảm vì nhỡ mặc áo phong phanh đi chơi, khi con gặp phải bạn bè không tốt vì không nghe lời khuyên của cha mẹ hay khi ly hôn với chồng người mà cha mẹ trước kia đã phản đối,… thay vì xóa bỏ và chà đạp cảm xúc của trẻ với những câu nói vô tình, đáng nhẽ chúng ta nên diễn giải cảm xúc của chúng thành lời.
Chỉ khi công nhận những cảm xúc tiêu cực của chúng ngay lúc ấy, các con mới thấy mình được xoa dịu. Thay vì chỉ trích, khuyên răn, thay vì làm giáo sư dồn dập chỉ bảo, lúc ấy bọn trẻ chỉ cần một cái ôm, một cụm ngắn “ừ nhỉ”. Đáp lại nỗi lo lắng của con trẻ bằng thái độ đồng cảm, quan tâm, đó là khi ta để trẻ tự do tập trung suy nghĩ về vấn đề của chúng, rồi tự chúng sẽ tìm ra hướng giải quyết. Bài học dạy bơi hãy truyền đạt lại vào một thời điểm khác khi bọn trẻ đã đủ bình tâm.
Ngày con trai đầu 5 tuần tuổi, bước ra khỏi phòng tắm với một cơ thể thõng xuống vì bị sốt tắc tia sữa 40 độ liên miên mấy ngày liền, mình nhờ người nhà bế hộ con. “Sướng nhể, tắm cho lắm vào mà, nói không nghe”, mình nhận lại được câu nói ấy. Lặng đi trong cái buốt nhói ở ngực, mình nằm xuống giường thiếp đi và sợ những tháng ngày sau sinh đến tận bây giờ.
Có những câu nói vốn dĩ không có gì sai về mặt ngữ nghĩa, nhưng đại sai về thời điểm nói. Làm cha mẹ, nếu muốn con cái mình trở thành người biết quan tâm, biết thấu hiểu, hơn ai hết, chúng ta cần chú ý đến cách mà chúng ta phản hồi lại chúng. Nếu muốn nuôi dưỡng lòng tự trọng và tôn trọng người khác trong trẻ, chúng ta cần bắt đầu bằng cách tôn trọng chúng. Và chúng ta sẽ không thể làm được điều đó, nếu không biết tỏ ra tôn trọng những gì chúng cảm thấy.
Người ta đang chìm thì không phải là lúc để bắt họ học bơi.