TĂNG CHẤT LƯỢNG BỮA ĂN CỦA TRẺ
Trẻ nhẹ cân nhỏ con thường gây ra những lo lắng và áp lực cho cha mẹ trong khi việc chăm sóc trẻ nhỏ. Nhiều cha mẹ băn khoăn và tìm cách tăng thêm năng lượng vào bữa ăn cho trẻ như thêm dầu hoặc lựa chọn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, thuốc bổ hoặc ép bé ăn. Tuy nhiên, kết quả thật sự không mang lại như mong muốn
TẠI SAO CHÚNG TA THẤT BẠI?
Sự tăng cân ở trẻ sẽ phụ thuộc vào năng lượng thêm vào và năng lượng tiêu hao. Hơn nữa, cơ thể cũng tuân theo quy luật ưu tiên tiêu hóa hấp thụ hơn là tích trữ và ưu tiên tìm vật chất thiếu hơn là giữ những vật chất dư. Nếu làm rối loạn sự ưu tiên này, cơ thể có thể đứng trước nguy cơ rối loạn chuyển hóa.
Có nghĩa là, nếu cơ thể thiếu chất nào thì ưu tiên tìm kiếm cho đủ chất đó, trong khi dư chất khác cơ thể cũng không sử dụng chất dư này.Điều này cho bạn biết là "Cơ thể cần chế độ ăn cân bằng để trẻ tăng cân khỏe mạnh".
Nếu cơ thể đang trong giai đoạn tiêu hóa, mà được nhồi nhét thêm quá nhiều thì cơ thể cũng ưu tiên hoàn tất tiêu hóa đã. Những chất nhồi nhét không mang lại hiệu quả, mà còn làm trẻ bị rối loạn 1 số chuyển hóa.
ĐÂY LÀ NHỮNG LỜI KHUYÊN GIÚP CHA MẸ CÓ THỂ THAM KHẢO
Hiện nay có nhiều hướng dẫn để tăng năng lượng cho trẻ, giúp trẻ tăng cân, nhưng thực tế nhiều cha mẹ đang lạm dụng nhiều, nhưng chưa thật sự đúng. Đây là 1 số cách mà cha mẹ thường làm chưa đúng.
A. Bổ sung dầu trong bữa ăn của trẻ
Vấn đề thường gặp: Bỏ vào tất cả bữa ăn
Giải thích vấn đề: Dầu có thể cung cấp năng lượng thêm vào. Nhưng, bữa nào cũng bỏ vào thức ăn của trẻ sẽ tạo dư thừa chất béo không cần thiết, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng tiêu hóa (VD phân nhiều mỡ) hoặc ảnh hưởng đến vị giác làm trẻ ngao ngán khi ăn.
Giải quyết tham khảo: Bữa nào có những món chiên/xào hoặc bữa ăn có các loại cá như Chép/Thu/Lươn/Hồi hoặc có mè rang/đậu phộng thì không cần thêm dầu vào. Một tuần nên có ít nhất 2 ngày có mấy loài cá kể trên, và cũng ít nhât có 1 bữa có thêm mè rang/đậu phộng. Như vậy, số ngày dùng dầu trực tiếp chỉ còn 3-4 ngày/tuần cho trẻ dưới 5 tuổi.
B. BỔ SUNG TRÁI BƠ TRONG BỮA ĂN.
Vấn đề thường gặp: Gọt bơ chỉ lấy phần thịt màu vàng/trắng hoặc thường dầm bơ với sữa/đường
Giải thích vấn đề: Bơ là thực phẩm tốt cung cấp chất béo không bão hòa chuỗi dài cho trẻ nhỏ. Nhưng, tốt nhất là ăn sống và vừa chín tới (Bơ có chỉ xơ thì không còn nhiều chất dinh dưỡng nữa). Lớp màu xanh sát vỏ bơ là chứa những chất béo và vitamin cần thiết, chúng ta không nên bỏ.
Giải quyết vấn đề: Lựa bơ chín vừa, không có chỉ gân trong thịt, vò nhẹ trái bơ và lột vỏ bằng tay. Sau đó, có thể cắt hình ngón tay hoặc dằm cho trẻ ăn. hạn chế ăn cùng với đường/sữa/sữa chua vì điều này có thể làm trẻ không cảm nhận được vị béo của bơ, cũng ảnh hưởng đến dinh dưỡng của bơ. Điều này có thể làm trẻ không thích bơ cho những lần sau. Có thể kết hợp với những trái cây giàu kẽm như chuối sẽ tăng hiệu quả.
C. BỔ SUNG SỮA CHUA
Vấn đề thường gặp: Chọn sữa chua có đường hoặc có trái cây dằm bên trong sẵn.
Giải thích vấn đề: Sữa chua dùng cho trẻ dưới 5 tuổi nên có hương vị tự nhiên, có thể chọn loại có bổ sung thêm lợi khuẩn.
Giải quyết vấn đề: Sữa chua có thể là 1 thực đơn tốt trong hỗ trợ trẻ nhẹ cân. Bạn nên chọn loại trắng tự nhiên, hương vani và ít đường hoặc không đường, full-béo. Việc tạo chất ngọt cho sữa chua bạn nên dùng 1 số loại trái cây tươi tự nhiên như chuối, xoài, táo, trái mâm xôi hoặc dâu tây. Trẻ 1-5 tuổi có thể dùng 1 hủ sữa chua/ngày, nhưng tôi vẫn khuyên cha mẹ chỉ khoảng 4 hủ/tuần, để những ngày khác trẻ có thể dùng các loại khác như phô mai, trái cây tươi dằm.
CÁC THỰC ĐƠN THAM KHẢO GIÚP TRẺ TĂNG CHẤT LƯỢNG BỮA ĂN.
*BỮA PHỤ
1. Sandwich nướng vàng trét bơ dằm
Miếng sandwich cắt bỏ 4 viền nâu xung quanh, nướng vàng 2 mặt, cắt thành hình vuông, tam giác, tròn để tăng hứng thú với trẻ. Thịt trái bơ xay nhuyễn. Có 2 cách cho trẻ ăn:Bạn có thể chét bơ lên 1 mặt miếng sandwich hoặc bạn có thể cho trẻ chấm bơ ăn.
2. Chuối áp chảo với mật ong
Lựa chuối chín và cắt thành từng khoanh tròn, độ dày bằng 1 lóng tay. Bật chảo nóng và nướng vàng 2 mặt lát chuối. Khi cho lên dĩa, quét 1 lớp mỏng mật ong.
3. Khoai lang chiên
Luộc chín khoai lang và nghiền nát. Trôn với 2 lòng đỏ trứng đã đánh tan với 1 ít gia vị. Sau đó, xoe thành viên tròn hoặc hình ngón tay. Lăn qua vụn bánh mì và chiên đến vàng.
*BỮA CHÍNH
1. Cơm trộn trứng, đậu Hà Lan, đậu đũa và mè rang
Trứng luộc cắt làm đôi. Đậu Hà Lan và đậu đủ luộc và cắt hình hạt lựu. Mè rang vàng. Cơm nấu với nước luộc gà. Trộn cơm với trứng, đậu và mè rang nêm 1 ít gia vị.
2. Trứng chiên với ớt chuông
Ớt chuông cắt sợi mỏng và chiên với trứng.
3. Cơm Ấn Độ
Thịt gà xào thơm với hành tỏi và bí đỏ cắt hình vuông 3cm đến mềm. Sau đó tiếp tục cho vào ớt chuông đỏ, hạt bắp, cà chua, 2 sợi gừng cắt sợi và xào đến mềm. Ăn cùng với cơm.