DẠY TRẺ VỀ SỰ TỬ TẾ
Khi làm 1 điều tử tế cho ai, khoa học đã chứng minh rằng bạn sẽ cảm thấy vui hơn. Nhưng, bạn biết không? Khi bạn làm điều tử tế cho người khác, "bạn còn sống khỏe mạnh hơn!". Dạy trẻ cách sống tử tế với người khác là bí mật giúp trẻ sống hạnh phúc và khỏe mạnh hơn!
KHI LÀ NGƯỜI SỐNG TỬ TẾ...
Đây là bằng chứng khoa học đầu tiên để cho chúng ta có 1 lí do để sống tử tế. Cụ thể, nhóm nghiên cứu của TS. Cole, ĐH California, Los Angeles Mỹ đã làm 1 thử nghiệm thú vị trên 159 người đã cho thấy rằng: làm điều tử tế với người khác trong 4 tuần có thể làm giảm nguy cơ biểu hiện của 53 gen liên quan đến nhiều bệnh khác nhau. Điều này được giải thích như thế nào? Thực ra, sống tử tế với người khác là cách giúp cơ thể bạn thoát khỏi mọi lo âu và ganh ghét. Chính điều này đã tác động đến hạnh phúc thực sự cần có của bạn. Đây là cách mà bạn giúp cơ thể ít "gây ra bệnh".
NHỮNG ĐIỀU TRẺ NÊN LÀM TỪ SỚM ĐỂ HỌC VỀ SỰ TỬ TẾ
Đây là 10 việc đơn giản trẻ dưới 10 tuổi nên học và thực hành để thể hiện sự tử tế. Chúng ta không thể bắt trẻ làm tất cả, nhưng hãy khuyến khích trẻ hiểu để làm nó với niềm vui thích. Cha mẹ chúng ta chính là hình mẫu tốt nhất cho mọi hành động và việc làm này.
1. Nhặt giúp ai đó nếu đồ của họ rơi xuống và đưa lại cho họ.
2. Mở cửa giúp cho người già hoặc ai đó cần giúp.
3. Thấy rác, hãy nhặt bỏ vào thùng rác
4. Mời bạn bè tham gia chơi cùng nếu có thể
5. Hãy chủ động đến nói chuyện với bạn khi thấy bạn đó ít nói hay rụt rè trong lớp.
6. Hãy nhấn nút chờ thang máy nếu có ai đến hoặc đứng nép bên phải ở thang cuốn để ai đó đi qua khi họ cần. Cũng hãy nhường ai đó đi trước hoặc bước ngang qua mình khi họ thể hiện sự cần thiết.
7. Không chỉ trích hay chê bai ai.
8. Lên tiếng cho 1 ai đó khi họ cần giúp đỡ.
9. Xách hộ đồ cho người khác khi họ cần giúp.
10. Thể hiện sự biết ơn với ai đó khi họ làm việc gì cho mình. VD. hãy cảm ơn chú bán kem khi chú làm cho con cây kem ngon.
Note
Cole SW. et al. Kindness in the blood: A randomized controlled trial of the gene regulatory impact of prosocial behavior. Psychoneuroendocrinology. 2017;81:8-13.