ÉP CON ĂN – CÂU CHUYỆN MUÔN THỦA
Mẹ của một con heo vàng 18 tháng
Bác sĩ ơi, sao thằng con em nó lười ăn quá à, bữa nào nó ăn em cũng phải ép, mà nó còn hay ẹ ẹ, ói ói sau ăn nữa, em lo quá à bác sĩ ơi!
Vậy mẹ cho bé ăn gì?
Thì em cho nó ăn đủ thứ, ăn thịt cũng có, cá cũng có, rau cũng có, cà rốt, khoai tây, rau xanh cũng có. Có lúc em cũng cho nó ăn bột ngọt với bột mặn nữa.
Mẹ nấu cháo cho bé ăn đúng không?
Dạ, đúng rồi, nấu cháo chứ, chứ tuổi này nó còn nhỏ lắm, em sợ nó ăn mấy thứ khác không được!
Mẹ nấu cho bé ăn kiểu nào? Nấu từng loại cháo riêng hay sao?
Em cho đủ thứ vô nấu, thí dụ hôm thì thịt, cà rốt, khoai tây, hôm thì cháo cá rau xanh, em cũng ráng thay đổi món ăn lắm, mà nó cũng không chịu ăn.
Mẹ nghĩ bé có THÍCH thức ăn mẹ cho bé ăn không?
(Ngập ngừng, ngập ngừng…) Em nghĩ là nó thích chứ, em nếm thử thấy cũng được mà!
Thường bé tự đút ăn hay mẹ đút cho bé ăn?
Em đút cho nó chứ, nó còn nhỏ quá, sao tự đút ăn được.
Mẹ cho bé ăn trong bao lâu?
Trời đất ơi, lâu lắm bác sĩ ơi, có khi 1 tiếng, 2 tiếng đồng hồ lận.
Mẹ có cho bé ngồi ăn chung với nhà, hay cho con coi ti vi, iphone, ipad, đi công viên để ăn?
Nó có chịu ngồi yên đấu bác, em phải cho nó đi công viên hay coi ti vi nó mới chịu hả miệng cho em đút không à.
Rồi khi nào bé ói, bé ọe vậy em?
Dạ, lúc nó nuốt nó cũng muốn ọe, ăn 10 lần là hết 9 lần nó ẹ ẹ rồi, khoảng 1-2 lần nó ói gì đó.
Lúc bé ẹ ẹ, em làm gì?
Dạ, em đợi chút xíu rồi em cho nó ăn tiếp ạ.
Em có định tập cho bé tự ăn không em?
Được không bác sĩ, em nghĩ không được đâu, nó còn nhỏ lắm sao nó tự đút được, với lại nó mà đụng vô thì chắc dây dơ dữ lắm, phải dọn nữa, em nghĩ phiền phức lắm ạ.
Em nghĩ em có thể ăn thức ăn của con em mỗi ngày trong mấy tháng không?
Em khác, nó khác chứ bác sĩ!
Em có định cho nó ăn mấy thức ăn khác như cơm, mì, bún…không em?
Chắc còn lâu bác sĩ ơi, bây giờ em cho nó ăn cháo mà nó còn vầy nữa. Lâu lâu em cũng cho nó ăn chút bún, mà thấy nó ẹ chút là bà nội bà ngoại la em liền à. Với lại ăn mấy thứ đó chắc nó ăn được ít lắm. Lỡ nó không tăng kí thì sao!
Em có để bé đói bụng rồi mới ăn không?
Em cho ăn đúng giờ thôi à, chắc lúc đó nó cũng đói chứ.
Có khi nào em để bé đói để xem bé có tự đòi ăn không?
Được không bác sĩ, lỡ nó đói quá nó xỉu rồi sao. Nhưng mấy đứa bạn em nó cũng thử với con tụi nó rồi, có đứa nó nhịn luôn đó bác, rồi tụi nó lại phải cho con tụi nó uống sữa bù buổi tối ạ. Vậy đâu có tác dụng đâu bác sĩ.
Chắc là nhiều ba mẹ thấy mình trong đoạn hội thoại này phải không!
Đối với bác sĩ, đâu là những điểm bất thường cần lưu ý?
1. Trẻ ói ọe có thể (và gần 100%) là do trẻ không thích, ngán thức ăn được cho ăn, và có thể trẻ no hơn cần thiết
2. Khi trẻ được cho ăn khi trẻ không chú ý, đây không phải là “được ăn” , mà chỉ là một “phản xạ nuốt” mà trẻ thực hiện vô thức khi thức ăn được đưa vào. Trong trường hợp này, trẻ không đủ thời gian và nhận thức để “nếm” mùi vị thức ăn nữa, và trẻ cũng không nhận biết được đây là thời gian “để ăn”, do đã bị xao lãng bởi những hành động vui chơi khác cần tập trung.
3. Bé không được phép có thời gian riêng để tự khám phá thức ăn bằng cảm giác (sờ mó bằng tay), bằng mắt (nhìn thức ăn, màu sắc, hình dáng), mùi vị (ngửi), để kích thích não bộ tăng cảm giác thèm ăn, tiết nước bọt… để chuẩn bị cho thời gian ăn uống và tiêu hóa thức ăn hiệu quả.
4. Ba mẹ đa số tự giả định rất nhiều điều, và cho mình có quyền luận suy tất cả về con mà không thèm quan tâm “thân chủ” nghĩ gì. “chắc là nó thích”, “chắc là nó không làm được đâu”, “chắc là sẽ ăn ít lắm”, “chắc là….”, rồi sợ này sợ kia, đủ thứ! Lý do bé còn quá nhỏ để giao tiếp và thực hiện hoạt động ăn uống luôn luôn được đưa ra, nhưng xin thưa, lý do ngày hoàn toàn sai. Trẻ nhỏ từ lúc sinh ra đã có nhận thức về nguy hiểm, sống còn, trong đó nhu cầu được cho ăn và được no là một nhu cầu thiết yếu và không trẻ nào bỏ qua. Đói – đòi ăn là một phản xạ sống còn tối thiểu. Nếu ba mẹ ông bà chịu khó tìm hiểu bé, bé sẽ đưa ra những dấu hiệu cho ông bà ba mẹ thấy việc bé đói hay không, thích hay không thích, đủ hay chưa đủ, ngán hay không ngán, bằng vẻ mặt, tiếng u ơ - hét, và hành động (quơ gạt muỗng ra khỏi miệng…). Những thông tin này rất rõ ràng và dứt khoát, vấn đề còn lại chỉ là ông bà cha mẹ có tôn trọng “ý kiến cá nhân” của khổ chủ hay quyết định làm lơ đi mà thôi. Trẻ từ lúc ngồi vững được, cổ vươn lên, tay với nắm được, nhất là khoảng 9 tháng tuổi trở đi, là đã có thể là một trẻ tự tập cho ăn với sự giúp đỡ của người chăm sóc trẻ.
5. Trong hội thoại trên, rõ ràng người lớn đặt sự tiện lợi và mong đợi cá nhân của mình lên hàng đầu và cho khổ chủ xuống hàng thứ mấy luôn, mặc dù vẫn khăng khăng đây là con vàng con bạc! Và đây là điều mâu thuẫn then chốt mà nhiều ông bà cha mẹ phải nhìn lại, nhận ra, và tự mình giải quyết. Sợ bé tự ăn không sạch sẽ, phải dọn mất thời gian, sợ ói ọe khi ăn thức ăn cứng hơn (cũng mất thời gian dọn rồi đút lại), sợ sụt kí, không tăng cân, không cao được như mình mong muốn (cái này thì hy vọng sau mấy bài về cân nặng thì không ai thắc mắc nữa nha!!!), sợ mất thời gian….Nhưng thật sự là, khi làm những chuyện tưởng là rất tiện lợi và đỡ mất công sức và thời gian của mình, và “nghĩ là tốt” cho trẻ trong thì hiện tại, ông bà ba mẹ lại làm cho mình mất rất nhiều thời gian, công sức, lao tâm, khổ tứ, và mất cả tiền bạc hơn, ở thì tương lai, bên cạnh việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý và phát triển hệ thống cơ quan của trẻ lâu dài.
Bất lợi và tốn kém như thế nào, đây là một danh sách đã được nghiên cứu chứng minh:
a. Trẻ “ép ăn thành công”, tăng cân quá nhiều gây ra những hệ lụy sức khỏe tâm sinh lý lâu dài -> đi khám bác sĩ vì bệnh và thuốc.
b. Trẻ sẽ bị “sang chấn tâm lý” vì lúc nào cũng có khoảng thời gian không vui vẻ và mệt mỏi vì phải “chống” lại việc cho ăn dưới nhiều hình thức: la, khóc, chống đẩy muỗn/chén đựng đồ ăn, chạy trốn, hoặc phải chịu tâm lý “nhân nhượng bị động” khi buông xuôi, chấp nhận bị đút ăn. Khi việc cho ăn không mong muốn kéo dài, trẻ sẽ ghi nhớ thời điểm cho ăn là thời điểm đáng ghét, không vui vẻ, và sẽ trở nên chán ghét thức ăn.
c. Khi trẻ chỉ muốn “nuốt cho trôi” thức ăn mềm, hệ răng miệng của trẻ tự nhiên “thừa mứa” vì không được sử dụng. Cơ hàm cũng không được sử dụng để nhai, nên không phát triển được, và vì vậy trẻ về sau có thể có những vấn đề về răng miệng đặc biệt. Khi trẻ chỉ nuốt trọn thức ăn mềm, trẻ sẽ tự động nuốt khi đưa cho trẻ những thức ăn cứng hơn mà “không biết” nhai rồi nuốt, vì vậy sẽ dễ bị nôn ọe khi ăn những thức ăn cứng hơn, và lại làm cho ba mẹ sợ, cho trẻ ăn thức ăn mềm suốt. Sự nôn ọe thường xuyên cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ về sau.