Hôm rồi cũng vậy, hỏi bố mẹ con sốt bao nhiêu này rồi? Mẹ thản nhiên trả lời 10 ngày. Bố trả lời 8 ngày. Mình hỏi làm sao biết con sốt? Họ nói rằng sờ trán thấy nóng sốt ...(?!)
Mình đã từng đề cập rất nhiều lần rằng vùng trán và vùng đầu là nơi tỏa nhiệt của những đứa trẻ nên việc bạn sờ vào trán chúng thấy nóng là hoàn toàn bình thường. Những lúc thấy con nóng thì bố mẹ chỉ có thể kết luận con sốt khi cặp nhiệt kế loại kẹp (không dùng loại hồng ngoại nha) ở nách > 38oC.
Mỗi chúng ta khi làm bố mẹ hãy chuẩn bị cho bé những vật dụng cần thiết, một trong những thứ đó là nhiệt kế loại kẹp. Loại hồng ngoại thì phải đo đúng cách vì sai số rất nhiều. Kẹp thủy ngân là chính xác nhất nhưng nguy cơ gãy vỡ nên có thể dùng kẹp điện tử. Và chỉ kết luận con sốt khi >38oC.
HÃY NHỚ LẤY CON SỐ 38oC NÀY NHÉ!!
Điều thứ 2 mình hay dặn dò bố mẹ bệnh nhân của mình khi con sốt những điều sau
(1) Mặc một lớp đồ mỏng nhất có thể.
Không ủ con, không mặc đồ dài tay dài chân...vì như vậy vừa làm tăng thân nhiệt con, vừa hạn chế khả năng tự thoát nhiệt của cơ thể và làm trẻ quấy khóc nhiều hơn.
(2) Không lau mát nếu không sốt quá cao .
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc lau mát không giúp nhiệt độ trẻ giảm nhanh hơn việc uống thuốc đơn thuần. Ngày xưa, mình có thầy mình nói rằng "Chỉ nên lau mát khi trẻ sốt 39.5 trở lên vì khi đó trung tâm điều nhiệt bị ảnh hưởng và đáp ứng hạ sốt kém. Nhưng hiện nay, nhiều bố mẹ muốn bác sĩ phải làm gì đó khi con họ sốt nên bác sĩ buộc phải nói bố mẹ lau mát để xem như "có làm gì đó" cho con họ"
Bạn cứ thử nghĩ bạn đang rất mệt do sốt. Điều bạn cần là uống 1 viên Para rồi ngủ. Nhưng ai đó cứ lột đồ bạn ra rồi lau người bạn, bạn sẽ thấy khó chịu thế nào. Chuyện lau mát từ lâu đã chứng minh rằng không giúp ích mà còn tăng sự khó chịu cho bé rồi.
(3) Uống thật nhiều nước.
Đúng vậy. Tất cả trẻ khi sốt sẽ mất nước nhiều hơn. Một số bố mẹ rất sốt ruột khi con ngủ li bì không ăn uống gì thế là bắt ăn, thế nhưng, giai đoạn này ngoài sốt ra thì mất nước là một trong những nguyên nhân bé luôn ở trạng thái đừ và mệt mỏi. Nếu con chưa thể ăn được tốt, hãy đảm bảo con ĐỦ NƯỚC. Nếu trẻ dưới 6 tháng thì bú mẹ thêm 1-2 cử trong ngày. Còn trẻ lớn hơn thì uống nước theo nhu cầu.
Nhiều trẻ mình khám vì sốt cao không ăn gì. Mình nói cứ cho trẻ uống nước oresol hoặc các nước điện giải mà bé thích. Sau một đêm, bé trở nên khỏe hơn thấy rõ. Dù còn sốt nhưng bé chơi và bắt đầu ăn trở lại.
(4) Môi trường thoáng mát
Nhiều bố mẹ khi con sốt thì đóng kín cửa, mặc kín đồ và tắt hết điều hòa, máy lạnh. Nhưng thực tế ngược lại, nếu các bạn đọc các bài viết về chăm sóc trẻ sốt đều ghi nhận rằng bạn nên dùng quạt cho bé nếu bé thấy thoải mái hơn. Quạt giúp cơ thể đào thải nhiệt tốt hơn trong một số trường hợp sốt nhẹ, không cần phải dùng thuốc.
(5) Miếng dán hạ sốt không giúp trẻ hạ sốt. Này các bạn cứ search thêm thông tin trên google nhé.
DẤU HIỆU NGUY HIỂM
(1) Con không chịu uống hay bú bất kỳ thứ gì
(2) Con li bì hơn, đánh thức không được
(3) Con có dấu hiệu co giật
(4) Con nôn tất cả mọi thứ và liên tục
Cuối cùng, TẤT CẢ trẻ có sốt nên được khám và đánh giá bởi bác sĩ. Hãy chú ý các lời dặn dò của bác sĩ để theo dõi tại nhà tốt hơn. Bất kỳ khi nào thấy có dấu hiệu trở nặng hoặc dấu hiệu trẻ không ổn, bố mẹ có thể đưa trẻ tới khám tại cơ sở y tế gần nhất, không cần phải đợi tới ngày tái khám.
Mỗi bé mình khám vì sốt mà nghĩ do siêu vi...thì mình đều dặn là “Về nhà mặc thoáng, uống thật nhiều nước, nước điện giải càng tốt, không lau mát, để yên con nghỉ ngơi... Không phải trẻ nào sốt cũng cần nhập viện điều trị mà phần lớn bố mẹ có thể theo dõi tại nhà. Bố mẹ chỉ cần theo dõi các dấu hiệu trở nặng như nôn nhiều, thở mệt, tiêu chảy liên tục hay có các dấu hiệu nguy hiểm (kể trên) thì khám lại ngay nhé”
BS. Nguyễn Thanh Sang