ĐÁNH CON XONG RỒI HỐI HẬN, HÔM SAU LẠI ĐÁNH TIẾP! LÀM THẾ NÀO ĐỂ KIỀM CHẾ CƠN TỨC GIẬN CỦA BẠN TRONG VIỆC DẠY CON?
Mình nghe rất nhiều lời phản ánh của các bà mẹ buồn bã khi không thể kiềm chế cơn giận của mình, la mắng , trách phạt con và sau đó hối hận.
Nếu các bạn tức giận khi con bạn làm điều gì không như bạn mong đợi, xin chúc mừng bạn! Bạn là một con người với đủ hỉ nộ ái ố và có những cảm xúc hết sức bình thường. Nếu bạn dửng dưng, không thất vọng, không tức giận, chắc chắn bạn sẽ không đủ nhạy cảm để biết yêu thương, biết hạnh phúc; bởi đôi khi tức giận nó cũng đến từ sự yêu thương và quan tâm, khi trẻ hoặc người bạn đời không làm những điều mà mình nghĩ là tốt cho họ.
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn tức giận, nhưng mình thấy phần lớn sẽ là:
1. Con bạn làm không theo ý muốn của bạn, phản kháng lại hoặc tỏ thái độ chống đối lời nói của bạn. khi người khác làm trái với ý muốn của bạn, trẻ làm sai, không nghe lời, không muốn học,v.v. Đó là bởi vì bạn kì vọng vào con quá mức, áp đặt mong muốn của bạn lên con, nhưng lại thiếu sự gần gũi, giải thích để con thực sự hiểu điều cần làm, hoặc thiếu sự kiên trì giúp con rèn luyện cho tới khi thành thạo.
2. Bạn nhạy cảm với thái độ của con bạn. Chỉ cần con bạn có thái độ mè nheo, bực bội hay thất vọng, chống đối, bạn ngay lập tức có xu hướng dán nhãn cho con là lì lợm, và thay đổi thái độ và cách ứng xử với con.
3. Phụ nữ dễ tức giận hơn cánh đàn ông, trong đó có một lý do là do cấu tạo sinh lý cơ thể, và sức khoẻ kém hơn. Do bạn đang căng thẳng vì công việc, vì tiền bạc, hay sức khoẻ yếu sẵn, nên chỉ cần 1 hành động nhỏ của con bạn cũng giống như là 1 giọt nước làm tràn ly, khiến bạn hành động theo bản năng, theo như những gì bạn đã được dạy ngày xưa. ( Cái này xưa mà chúng ta ai cũng bị ăn đòn từ bố mẹ ấy!)
Và khi nhận thức được đâu là nguyên nhân, mình xin đưa ra 1 vài biện pháp dưới đây:
1. GỌI TÊN CẢM XÚC- CẢNH BÁO CHO NGƯỜI ĐỐI DIỆN BIẾT:
Khi ngọt ngào và vui vẻ, chúng mình nên bàn luận, thảo luận với con với chồng về việc chuyện gì xảy ra khi bạn tức giận và bạn muốn họ làm gì để giúp bạn hạ hỏa.
“ Có nhiều khi mẹ sẽ rất mệt mỏi hoặc sẽ rất tức giận, và có khi mẹ sẽ nóng giận quá mà la mắng, vậy mẹ sẽ nói bây giờ mẹ đang tức giận, con hãy đi vào bếp, đi vào phòng con,v..v.
“Khi em đang tức giận, em mong muốn anh rót cho em li nước, hoặc đừng nói gì, hoặc anh nói em đang tức giận, anh sẽ đi ra ngoài, khi nào bình tĩnh thì mình nói chuyện, v.v.
Bạn muốn họ làm gì để giúp bạn đỡ bực? Bạn hãy nói cho con, cho chồng/vợ biết!
Khi bạn tức giận, bạn phải nói ra “ Bố/ Mẹ đang rất tức giận nhé, không hiểu vì sao con lại làm như thế như thế, v.v. ..” Khi bạn nói ra được cảm xúc của bạn, bạn gọi tên nó, là bạn cũng giải tỏa được một ít cảm xúc của mình, vì vậy hãy mạnh dạn nói. Khi bạn nói ra, bạn đồng thời cũng ý thức được cảm xúc của mình lúc đó, và bạn sẽ cảm thấy mình biết nó, và tỉnh táo phần nào để quyết định sẽ làm gì tiếp theo.
2. CỐ GẮNG CHỈ GIẢI QUYẾT KHI ĐÃ BÌNH TĨNH
Nếu không làm được, nên xin lỗi vợ/chồng/con vì đã nóng giận mất bình tĩnh. Để giữ được bình tĩnh, bạn phải thấu hiểu chính bạn, nhận ra bạn đang mất bình tĩnh và chậm lại 1 nhịp trước khi làm điều gì đó tổn thương đến con bạn. Để làm được điều này, thực sự bạn phải luyện tập từng bước một, không có cách nào khác, và đó cũng chính là lý do mình đã tổ chức lớp 21 ngày tư duy rành mạch tích cực, để giúp các bạn luyện tập từng bước một trong việc kiểm soát suy nghĩ của bạn.
3. PHÂN TÍCH TỐT TÌNH HUỐNG VÀ THÔNG CẢM CHO CON:
Bạn hãy tự hỏi:
- Con của bạn năm nay mấy tuổi, sự phát triển về tâm sinh lý ở giai đoạn này là gì?
- Bạn đã hướng dẫn con đúng cách chưa? Cách nói của bạn có dễ tiếp thu không?
- Con bạn đã được luyện tập điều này bao nhiêu lần?
- Bạn có yêu cầu nhiều quá ở con không?
- Con bạn có thái độ tiêu cực, hay than thở phàn nàn là vì sao, có phải ảnh hưởng bởi chính thái độ và lời phàn nàn của bạn mỗi ngày không?
- Kĩ năng cốt lõi mà bạn cần rèn cho con là gì? Việc cháu cần làm có giúp phát triển những kĩ năng cốt lõi đó hay không? Hay chỉ là viết cho đủ số trang vì đó là yêu cầu của cô giáo?
Mình tin rằng con của chúng ta không bao giờ cố ý làm sai để làm tổn thương cha mẹ. Đơn giản con của chúng ta không phải là những đứa trẻ như thế. Con của chúng ta tất cả đều đáng yêu, có năng lực, là những đứa trẻ tốt và đang học cách lớn lên từ những sai lầm mà thôi.
4. HÃY TỰ THA THỨ CHO BẢN THÂN
Kể cả kiểm soát cách bạn phản ứng thế nào với con, là bạn cũng phải đang học bạn ạ. Vì sao? Vì trước đây bạn chưa có chồng/vợ, chưa có con. Vì trước đây con bạn không mắc phải vấn đề này, vì trước đây con bạn chưa tới tuổi phát triển này.
Bạn cũng phải học mỗi ngày, vì vậy nếu bạn chưa cư xử đúng cách là điều hoàn toàn dễ hiểu, cho dù nó là chung 1 cảm xúc là tức giận, nhưng mỗi lần tức giận là vì một lý do mới. Nếu bạn tức giận vì chung 1 lý do, thì bạn cần phải lên kế hoạch cải thiện tâm lý hoặc cải thiện tình huống đó.
Bạn hãy tha thứ cho lỗi lầm của bạn khi bạn bị mất kiểm soát, có như vậy bạn mới tiến lên và tiếp tục học, tiếp tục rèn luyện. Còn bạn hối hận vì đã gây tổn thương con này nọ, bạn sẽ tập trung vào cảm xúc tiêu cực của chính mình hơn là tìm kiếm giải pháp. Tha thứ cho chính bạn, con bạn sau này cũng học từ đó mà có thể biết tự tha thứ cho chính mình sau mỗi sai lầm.
5. CẢI THIỆN SỨC KHỎE – Có sức khỏe tốt, sức chịu đựng sẽ tốt hơn và khả năng đối phó với căng thẳng tốt hơn, khi đó mới đủ sức mà bình tâm và bình tĩnh được bạn ạ. Mệt trong người thì việc nhỏ thôi cũng làm ta khó chịu. Cái này mình nói rất nhiều lần.
6. CẢI THIỆN TÂM LÝ – Hạn chế kì vọng vào người khác, kể cả con. Hãy giúp con thực hiện điều mà mình thấy cần cho con- thực hiện cho tới khi nào đạt được điều đó thì thôi. Và muốn như vậy thì cần có thời gian bạn ạ. Con bạn không phải là cái máy, bạn bấm cái là chạy tốt liền. Chính bản thân bạn còn thấy thay đổi thật khó, nhưng lại cứ muốn con ngoan ngay lập tức, có hơi vô lý không?