Có nên nằm bất động sau khi chuyển phôi?
Có nhiều bệnh nhân, sau khi thực hiện chuyển phôi tại Bệnh viện, trở về nhà đã gọi điện hỏi tôi: "Có phải NẰM BẤT ĐỘNG tại nhà sau chuyển phôi thì tỷ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) sẽ cao hơn?".
Câu trả lời là "KHÔNG"!.
- Về vận động các bạn cần lưu ý: Ngoài thời gian nằm nghỉ tại Bệnh viện (2-3h) sau thực hiện thủ thuật chuyển phôi, khi trở về nhà, từ 3 đến 5 ngày đầu, chị em nên nằm nghỉ ngơi bình thường và thư giãn để tăng khả năng bám dính của phôi.
Một số kinh nghiệm dân gian cho rằng chị em nên nằm bất động trong thời gian này nhưng việc nằm một chỗ sau khi chuyển phôi là tư thế không tự nhiên của một cơ thể đang hoạt động nên có thể gây nhiều ảnh hưởng bất lợi.
Chính vì vậy, chị em có thể đi lại, vận động nhẹ nhàng, không đi cầu thang, tuyệt đối không mang, vác nặng hoặc thực hiện các động tác vươn, với, rướn người hoặc cúi gập đột ngột.
Những người làm việc trong môi trường thường xuyên phải vận động, di chuyển hoặc phải mang vác nặng cần xin nghỉ làm trong thời gian này.
Như chúng ta đều biết, chuyển phôi là bước quan trọng kết thúc một quy trình làm IVF. Phôi sau khi được đặt vào lòng tử cung người mẹ sẽ bám dính vào nội mạc tử cung bắt đầu quá trình làm tổ. Việc chuyển phôi có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng phôi, cơ địa của người mẹ và trình độ kỹ thuật của Bác sĩ.
Tuy nhiên, góp phần làm nên tỷ lệ thành công sau chuyển phôi, ngoài những lưu ý về vận động nói trên, không riêng người phụ nữ mà cả người chồng cũng cần chú ý các vấn đề về dinh dưỡng, tâm lý, nghỉ ngơi và các vấn đề khác trong sinh hoạt hàng ngày. Bởi sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ của người chồng từ những việc nhỏ nhất sẽ giúp người phụ nữ có tâm lý thoải mái, tinh thần vui vẻ, sức khỏe tốt. Đây chính là điều kiện thuận lợi tăng tỷ lệ đậu thai.
- Về dinh dưỡng: nên bổ sung đạm từ thịt gà, thịt bò, thịt lợn, hàu, tôm, cua, sữa. Chị em nên tránh một số thực phẩm theo kinh nghiệm dân gian không nên sử dụng trong giai đoạn đầu thai kì như: đu đủ; rau má, rau ngót, nước dừa tươi… Không nên ăn chua cay và các chất kích thích như tiêu, ớt, cà phê, không uống bia, rượu, hút thuốc, không ăn quá mặn; không ăn quá lạnh hoặc quá nóng. Bạn cũng nên ăn nhiều rau, chất xơ, uống nước hoa quả và sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh để phòng ngừa bệnh trĩ, tránh táo bón hoặc tiêu chảy trong thời gian này.
- Về tâm lý: Chị em cố gắng ngủ đủ giấc, giữ tâm trạng luôn vui vẻ, thoải mái, không tự tạo áp lực cho bản thân. Đặc biệt, không nên quá tập trung suy nghĩ đến kết quả sắp tới để rồi có tâm lý lo lắng và suy nghĩ bi quan. Thay vào đó, nên suy nghĩ đến những điều tích cực, tin tưởng mình sẽ thành công hoặc giải trí nhẹ nhàng bằng cách nghe nhạc nhẹ, xem phim vui nhộn, đọc sách báo…để thư giãn.
Tránh tức giận, cáu gắt vì cảm xúc tiêu cực này có thể gây tình trạng tức ngực, tim đập nhanh, đau tim ảnh hưởng đến phôi, thậm chí có thể gây hỏng phôi.
- Về thực hiện vệ sinh cá nhân: Trong thời gian sau chuyển phôi, bạn có thể tắm, vệ sinh hằng ngày nhưng lưu ý là nên tắm nhẹ nhàng bằng nước ấm. Nên thay quần lót thường xuyên để giữ vùng kín luôn sạch sẽ.
- Về quan hệ vợ chồng: Vợ chồng không quan hệ trong thời gian này để hạn chế sự kích thích gây co bóp tử cung ảnh hưởng đến phôi thai.
- Tái khám sau 14 ngày chuyển phôi: chị em lưu ý tái khám tại Bệnh viện hoặc Phòng khám theo đúng lịch hẹn của Bác sĩ, thưc hiện xét nghiệm βeta HCG để xác định kết quả thụ thai và được Bác sĩ hướng dẫn, chỉ định các bước theo dõi tiếp theo.
Lựa chọn đúng Trung tâm hỗ trợ sinh sản uy tín, Bác sỹ giỏi, giữ tâm lý thoải mái, thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động... hợp lí, chắc chắn các cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ sớm được đón con yêu!