Tư vấn     Mang thai
Lê Phương Hằng VIP
A-Z LUYỆN NGỦ CHO CON

♥️ Luyện Ngủ Là Gì?

Là cho con thời gian và cơ hội học được kỹ năng tự ru mình chìm vào giấc ngủ - thay vì phải bú mẹ, ngậm ti giả, bú bình, đu đưa, rung lắc… để ru bé vào giấc ngủ.

Hãy hình dung như chúng ta hiện tại khi trưởng thành, chúng ta có thể nằm lên giường và chờ cho giấc ngủ ập tới, ru chúng ta vào giấc ngủ. Nửa đêm chúng ta có thể thức giấc bởi cơn ác mộng, hay dậy đi toilet… rồi chúng ta quay trở lại giường, nằm xuống và dần dần tự chúng ta quay lại giấc ngủ của mình.

Nhưng đối với trẻ nhỏ, chúng chưa có kỹ năng này nên chúng cần đến những sự hỗ trợ trên của mẹ và bố để chìm vào giấc ngủ.

♥️ Vì Sao Lại Cần Luyện Ngủ

Chỉ cần luyện ngủ cho bé nếu thực sự thói quen, nếp ngủ của bé làm ảnh hưởng quá nhiều đến sức khoẻ, nếp sống gia đình bạn. Bé bị thức dậy thường xuyên giấc ngủ không đầy và mỗi lần dậy mệt mỏi không ngủ tiếp được nên quấy khóc.

Tôi quyết tâm luyện ngủ cho Myla ở tháng 11 (là khá muộn so với thời điểm lý tưởng luyện ngủ cho bé 5-7 tháng). Đó là bởi vì trước đó tôi rất yêu sự bồng bế con, cùng cho con bú rồi ngắm con chìm vào giấc ngủ an lành. Tôi cảm thấy ở những thời điểm trước đó thực sự vất vả với việc cho con ngủ nhưng mình vẫn chịu đựng được, không nỡ để con phải “cry it out” - khóc đến khi tự chìm vào giấc ngủ. Chính vì vậy mà chỉ đến khi Myla 11 tháng rồi, bé nặng 12,13 cân, tôi và ngay cả bố bé cũng không thể tiếp tục vác bé trên tay, trên vai để đu qua đu lại quá 10 phút. Vai và lưng tôi lúc nào cũng mỏi nhức, Myla không ngủ được xuyên qua đêm, đêm nào cũng lục sục dậy bú để ngủ nên mẹ cũng mệt nhoài mà bé cũng mệt nhoài. Sáng nào bé cũng dậy lúc 4,30 sáng, cả mẹ và bé lại lôi nhau ra phòng khách ngồi khi trời con tối mịt. Mẹ mệt mỏi vô cùng vì thiếu giấc ngủ. Và thế là một buổi tối nọ mẹ quyết định thả Myla nằm xuống cũi, tắt đèn và bước ra khỏi phòng.
Công cuộc luyện ngủ bắt đầu từ đây.

♥️ Bao giờ là thời điểm phù hợp để luyện ngủ

Theo sách "7 Ngày thiết lập nếp ngủ cho bé" - cẩm nang chính của tôi và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn tham khảo trên internet, và quan điểm bản thân tôi, 5-7 tháng là thời điểm lý tưởng để luyện ngủ. Tôi nghĩ lý tưởng nhất là tầm 5 tháng.

Vì sao?

Thời điểm từ 1-3,4 tháng đầu đời, trong quan điểm và trải nghiệm của tôi là quãng thời gian tập thích nghi với cuộc sống bên ngoài của bé.
Các bạn cứ tưởng tượng xem, bé nằm trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày, ở nơi tối, bó chặt cơ thể, nằm ngủ rất yên tâm… bỗng nhiên bị lôi ra ngoài đầy ánh sáng, âm thanh hỗn tạp, tay chân đạp tứ tung… thật khác biệt làm sao. Tôi cảm thấy vai trò của người mẹ lúc này là ôm ấp con, cho con bú, nhẹ nhàng ve vuốt trò chuyện với con, trao cho con tình yêu, cho con biết rằng con an toàn khi ở bên mẹ. Cùng lúc đó, những tháng đầu bú mẹ thật kỳ diệu, mẹ và con có thể kết nối thật tình cảm, cùng nằm cạnh nhau, mẹ đưa con vào giấc ngủ…

Đối với cá nhân tôi, đây là trải nghiệm thực sự tuyệt vời nên tôi sẽ không dễ dàng từ bỏ để thay vào đó tự luyện cho con ngủ độc lập.
Mọi người vẫn lo “con bén hơi mẹ”. Tôi nghĩ bén là tốt. Đứa trẻ sơ sinh mới ra đời, lẽ tự nhiên là nó cần ở bên mẹ. Loài vật cũng vậy, con người cũng vậy. Đôi khi việc lạm dụng science quá, có thể mang lại hiệu quả, nhưng lấy đi tình cảm, sự gần gũi vốn dĩ rất tự nhiên giữa con và mẹ.

Chưa kể, những đứa trẻ khác thì tôi không biết sao, chứ Myla nhà tôi rất hay ọc sữa sau bú, có lần trong 3 tháng đầu buổi đêm em bị nghẹt thở, không hiểu lý do gì, may mà có mẹ và ba bên cạnh. Mẹ dùng miệng giúp em hút mũi ra, em mới thở lại bình thường. Sau này ba mẹ đọc nghiên cứu thì thấy trẻ con sơ sinh có thể tự bị sặc/ nghẹn vì fluid chất lỏng, có thể là sữa mẹ, nước bọt, đờm, nước mũi của chúng. vì vậy thực sự nếu bảo tôi lúc đó tầm 2,3 tháng luyện cho con tự ngủ thì tôi sẽ không làm được đâu.

Nếu có em bé nữa, tôi sẽ tập cho em ngủ lúc tầm 5-7 tháng, tuỳ thể chất con và cảm xúc của bản thân mẹ.

♥️ Bao giờ là quá muộn để luyện ngủ

Càng để lâu thì luyện cho bé càng khó hơn bởi bé đã biết đứng lên (như lúc MYla 11 tháng), bé biết đi, bé nhận thức rõ ràng hơn, nên không dễ dàng như việc bé chưa chủ động di chuyển, bé nằm đó sẽ thư giãn hơn, có khóc đòi có lẽ cũng sẽ ít hơn rồi có thể tự chìm vào giấc ngủ.

Tuy nhiên sách báo nói rằng, kể cả khi bé 2,3 tuổi cũng vẫn có thể luyện ngủ, để bé có được giấc ngủ dài và sâu hơn.

♥️ Luyện Ngủ Thế Nào

Nhìn chung có 2 phương pháp. Một phương pháp là “dứt hẳn”. Mẹ chờ cho đến khi bé buồn ngủ (chứ không phải đang yên đang lành tỉnh táo bình thường), cho bé vào cũi, nói với bé hiệu lệnh (cái này tuỳ mẹ) “Myla đi ngủ nhé! Yêu con!” rồi bước ra khỏi phòng.

Phương pháp dứt hẳn là bố mẹ cứ để cho bé khóc, đòi đến khi chán, không chịu nổi khi cơn buồn ngủ qúa thể ập đến, thế là bé ngủ. Một vài đêm như vậy, bé sẽ tự tập được cách ru mình vào giấc ngủ rồi đó. Chúc mừng bạn!

Nhưng nói thì nghe rất dễ nhưng sự thực rất khó vì nghe con khóc rất là xót ruột, như ai đấm vào bụng mình, cào cấu mình ấy. Chẳng bố mẹ nào nghe tiếng con khóc thảm thiết mà cảm thấy thoải mái cả. Tuy nhiên,, phải vững lòng lên. Nếu chúng ta đầu hàng, lại vào bế bé lên đung đưa, vỗ về, là bao công lại thành công cốc. Sự khóc lóc bấy giờ của bé trở nên vô nghĩa.

Khi tôi luyện ngủ cho Myla, ông xã gợi ý hai vợ chồng mở phim xem (ông ý cũng bị luyện và chứng kiến em bị luyện nên đối với ông ý là bình thường). Còn đối với tôi không bình thường chút nào. Tôi gây luôn “Sao anh có thể nhẫn tâm xem phim giải trí trong khi con chúng ta đang khổ thế!?”

Thế là hai vợ chồng ngồi trong im lặng nghe tiếng khóc của con. Tôi mở sách luyện ngủ cho con ra đọc, đọc để được trấn an trong khi lòng như lửa đốt.

Tôi cũng có thử phương pháp 2 đó là “Khi con khóc, không bào luôn, chờ 5 phút sau, vào xoa con nhè nhẹ vỗ về an ủi, không bế lên rồi lại đi ra. Khoảng 10 phút sau con mà còn khóc lại đi vào lặp lại an ủi vỗ về”. Mục đích của phương pháp này là để cho bé biết mẹ vẫn ở gần bên cho bé yên tâm… Nhưng nói thực mỗi lần tôi vào tôi thấy còn tệ hơn, Myla tưởng được mẹ vào bế lên, thấy mẹ đi ra càng khóc tợn. Lúc này còn xen lẫn sự hờn giận vì đánh lừa bé. Vậy nên tôi quyết là dứt hẳn luôn, việc tôi thập thò ra vào chỉ tổ làm bé mệt mỏi hơn mà thôi dù nó làm mẹ bớt xót con hơn một chút. Nhưng tính về hiệu quả thực sự thì tôi nghĩ cách này không phải là cách hay, đã luyện phải quyết tâm.
Kể cả khi bác Thư xót cháu, đứng nhìn cháu hoặc vỗ cháu nhè nhẹ để cháu ngủ (khi tôi đi vắng) bởi những hành động này vẫn gửi đến bé tín hiệu không rõ ràng, làm cho quá trình luyện ngủ của bé còn bị kéo dài hơn.

Cách hiệu quả nhất đối với bé đó là tín hiệu rõ ràng, đơn giản, lặp lại giống nhau “bé chuẩn bị các bước trước khi ngủ, thay đồ, đọc sách nhẹ nhàng, bé buồn ngủ thả vào cũi, phòng tối, mẹ chào bé và đi ra!”

♥️ Luyện Ngủ Có Làm Bé Sợ, Tổn Thương Tinh Thần Hay Không?
Không, bé khóc khi đòi mẹ, khi mệt chưa biết cách chìm vào giấc ngủ. Ban đầu lúc mới luyện tôi cũng lo lắm. Bé khóc 2 tiếng dai dẳng, khản cả giọng, toát cả mồ hôi, có hôm còn ị đùn. Nếu bé ị, hoặc trớ, mẹ có thể nhanh chóng lau, thay tã/quần áo cho bé, không trò chuyện, mở đèn to, rồi lại thả bé vào cũ, lặp lại thông điệp “Ngủ ngon nhé!”.
Sáng ra Myla ngủ dậy, cực kỳ tươi vui nhanh nhẹn, khoẻ khoắn bình thường, tôi mới hết lo là bé tổn thương tinh thần. Giờ nay Myla ngủ cực kỳ ngoan, cực kỳ dễ và đãng yêu (Như thế này từ hồi luyện ngủ thành công), cho bé vào phòng đóng cửa lai, bé xoay người ôm bạn gà bông nằm chờ đến khi chìm vào giấc ngủ. Dù có lúc xoay qua xoay lại đên 15,20 phút giấc ngủ mới ập tới bé cũng không đòi, mà nằm rất ngoan thư giãn. Khi bé ngủ dậy cũng rất ngoan, vui vẻ không khóc quấy gì, tự nằm chơi khoảng 20 phút mới gọi mẹ bế ra.

♥️ Luyện ngủ trong bao lâu?

Tuỳ bé, có bé 2,3 hôm, có bé 7 hôm. Myla do mẹ và bác Thư không dứt khoát từ đầu nên kéo dài 8,9 ngày.

♥️ Khó nhất khi luyện ngủ là gì?

Là lúc bé dậy giữa đêm khóc đòi mà bạn vẫn phải kiên quyết để cho bé tự chìm vào giấc ngủ lại. Điều này các tài liệu không đề cập hoặc đề cập rất ngắn gọn. Chính vì vậy ban đầu tôi rất bối rối không biết xử trí ra sao khi bé dậy bạn đêm.

Thời điểm luyện bé ngủ lại giữa lần dậy ban đêm khó nhất vì lúc đó bố mẹ cũng mệt lắm. Nghe tiếng khóc giữa đêm vừa không ngủ được, vừa lo thức hàng xóm láng giềng..

Thú thực một đôi lần tôi không chịu nổi phải ra đứng vỗ vỗ bé. Mà vỗ thì bé im mà dừng lại bé lại thức giấc và khóc. Mình lại càng mệt hơn khi đứng cạnh cũi bé vào giữa đêm.

Chính vì vậy, khi bé thức dậy giữa đêm và khóc, bạn phải xác định tư tưởng và kiên quyết, không chạy lại luôn vỗ về bé, để bé tự khóc 5,10 phút, bé sẽ tự quay về giấc ngủ. Chỉ qua 2,3 đêm thế naỳ, bé sẽ có kỹ năng tự ru ngủ vĩnh viễn, cả nhà sẽ khoẻ re!

♥️ Việc bú đêm khi luyện ngủ thế nào?

Ở thời điểm Myla 11 tháng này, Myla đã cai bú mẹ nhưng vẫn bú bình ban đêm. Một cữ lúc 12 giờ đêm, một cữ 2 giờ sáng… xong 4.30 sùng sục dậy chơi, chơi chán đến 6.30 sáng lại bú rồi ngủ. Nói chung rất mệt và em rất là to béo.

Lúc này thực sự mẹ muốn cai cho em bú đêm nhưng lại lo em to béo thế này em không ăn sẽ đói không chịu được.

Đang trăn trở thì luyện ngủ. Kỳ diệu thay sau vài ngày luyện ngủ, giấc em ngủ sâu hơn, em bỏ cữ 12 giờ đêm, mẹ vẫn cho em bú cữ 2 giờ sáng, nhưng thấy em không mặn mà (mẹ cho ít ml dần), được vài ngày mẹ cho em dừng hẳn.

Dừng hẳn em ngủ ngon đến sáng, ban đầu là 6 giờ sáng, mẹ mừng húm. Ra là không phải em đói đòi ăn sữa đêm, mà là vì em cần bú để ngủ. Tự ngủ được rồi em tự bỏ sưã luôn.

Giờ em ngủ từ 7.30-8 giờ tối đến 6.30-7 giờ sáng, mẹ hân hoan lắm. Em ngủ ngon ngoan và vui vẻ, mẹ ngủ ngon cũng khoẻ mạnh, da dẻ đẹp hẳn lên và tươi trẻ trở lại.

Nghĩ thời quần quật bú biếc ru ngủ đêm hôm với em suốt 11 tháng trời thật sợ chứ! Mẹ cứ chặc lưỡi
“Biết vậy luyện sớm hơn!”.

♥️ Khi đi du lịch thì sao?

Đi du lịch mình cũng cố giữ nếp đó chỉ điều chỉnh theo múi giờ. Bé buồn ngủ do lệch múi giờ cố gắng cho bé ra ngoài hoạt động, có ngủ chỉ chợp mắt 30 phút đừng cho ngủ lâu để tối đúng giờ ngủ. Nhiều khi đi du lịch du di ngủ muộn 1, 2 tiếng không sao cả!
Về nhà luyện lại không khóc lâu đâu vì bé đã có kỹ năng rồi, 1,2 hôm là về nếp.

Nguồn: Siêu mẫu Hà Anh

0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
Mang thai
Mọi thứ về mang thai cho mẹ trong suốt 280 ngày
TÌM KIẾM