“ Cầu nguyện thôi chưa đủ”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - Tại sao chúng ta cần chiến đấu chống Virus Corona với tâm từ bi.
Thỉnh thoảng, bạn bè có nhờ tôi sử dụng “năng lực thần thông” để giúp giải quyết một số vấn đề trên thế giới. Tôi luôn nói với họ rằng Đạt Lai Lạt Ma không có năng lực thần thông. Nếu tôi có thần thông, tôi đã không phải chịu cảm giác đau đớn của chân cẳng tôi hoặc của cổ họng tôi. Tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Chúng ta cũng đều trải qua cùng những nỗi sợ hãi, cùng những niềm hy vọng, cùng những điều không chắc chắn.
Từ quan điểm Phật giáo, mỗi chúng sinh đều biết đến đau khổ và những sự thật của già, bệnh, chết. Nhưng là con người - chúng ta có khả năng sử dụng tâm thức của mình để hàng phục sự sân giận, tham lam và sợ hãi. Trong những năm gần đây, tôi đã nhấn mạnh đến việc “tháo gỡ cảm xúc”: cố gắng nhìn mọi thứ một cách thực tế và rõ ràng, mà không có sự nhầm lẫn mơ hồ của nỗi sợ hãi hay cơn thịnh nộ nào can dự vào. Nếu một vấn đề còn có giải pháp, thì chúng ta phải nỗ lực để thực hiện và giải quyết nó; nếu không còn giải pháp nào thì chúng ta không cần phải lãng phí thời gian để lo nghĩ về nó.
Những người Phật tử chúng ta tin rằng cả thế giới đều phụ thuộc lẫn nhau. Đó là lý do tại sao tôi thường nói về trách nhiệm toàn cầu. Sự bùng phát của loại vi rút corona khủng khiếp này đã cho thấy rằng - những gì xảy ra đối với một người có thể sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến mọi người khác. Nhưng nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng, một nghĩa cử từ bi hoặc một hành động tích cực - cho dù làm việc trong các bệnh viện hay chỉ quan sát quán chiếu xã hội từ xa - thì vẫn có khả năng giúp đỡ được nhiều người.
Kể từ khi có tin tức về vi rút corona ở Vũ Hán, tôi đã cầu nguyện cho các anh chị em của mình ở Trung Quốc và mọi nơi khác. Hiện nay chúng ta có thể thấy rằng, không ai có thể miễn dịch được với vi rút này. Tất cả chúng ta đều lo lắng cho những người thương yêu và cho tương lai của cả nền kinh tế toàn cầu và của riêng quê hương tổ quốc chúng ta. Nhưng nếu chỉ có sự cầu nguyện thôi thì sẽ không đủ.
Cuộc khủng hoảng này cho thấy rằng tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm trong những lĩnh vực mà chúng ta có thể. Chúng ta phải kết hợp với các bác sĩ và những y tá dũng cảm - những người đang thể hiện bằng khoa học thực nghiệm để khởi sự giải quyết tình trạng này và bảo vệ tương lai của chúng ta khỏi những mối đe dọa như thế.
Trong lúc hoảng loạn này, điều quan trọng là chúng ta phải nghĩ đến những thách thức - và những tình trạng lâu dài của toàn cầu. Những hình ảnh về thế giới của chúng ta được chụp từ không gian vệ tinh cho thấy rõ ràng rằng không có ranh giới thực sự trên hành tinh xanh của chúng ta. Thế nên, tất cả chúng ta đều phải chăm sóc nó và cùng nhau hành động để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu và các lực lượng phá hoại khác. Cơn đại dịch này đóng vai trò như một lời cảnh báo rằng - chỉ bằng cách đoàn kết gắn bó cùng nhau - với sự hưởng ứng phối hợp toàn cầu thì chúng ta mới đương đầu được với những thức thách lớn chưa từng thấy mà chúng ta đang phải đối mặt.
Chúng ta cũng phải nhớ rằng, không ai thoát khỏi khổ đau, và hãy dang rộng vòng tay của mình đến với những người khác - những người vô gia cư, không tài sản, không gia đình - để bảo vệ họ. Cuộc khủng hoảng này cho ta thấy rằng, chúng ta không hề tách biệt nhau cho dù chúng ta đang sống cách xa nhau. Thế nên, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm thực hành hạnh từ bi và giúp đỡ lẫn nhau.
Là một Phật tử - tôi tin vào luật vô thường. Cuối cùng thì nạn vi rút này cũng sẽ qua, như tôi đã từng thấy những cuộc chiến tranh và các mối đe dọa khủng khiếp khác đã đi qua trong đời tôi; và chúng ta sẽ có cơ hội để xây dựng lại cộng đồng toàn cầu của mình như chúng ta đã từng thực hiện nhiều lần trước đây. Tôi thành tâm mong cầu rằng mọi người có thể giữ an toàn và bình tĩnh. Vào lúc nguy hiểm này, điều quan trọng là chúng ta không nên để mất niềm tin và hy vọng vào những nỗ lực tích cực mà nhiều người đang thực hiện.
Đăng bởi Tạp chí Time - 14 tháng 04 năm 2020.