NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TI GIẢ
Trích bộ sách Nuôi con không phải là cuộc chiến 2 - Cuốn 1: Khoa học về bữa ăn và giấc ngủ của bé sơ sinh
Tác giả: Hachun Lyonnet, Hương Đỗ (Mẹ Ong Bông)
Dự kiến phát hành: Mùa thu/2018
Ti giả được các bác sĩ nhi khoa và chuyên gia giấc ngủ khuyên dùng để hỗ trợ trấn an bé trong quá trình bé tự đưa mình vào giấc ngủ, giúp thỏa mãn phản xa mút mát bản năng của bé. Ngoài ra, ti giả còn có những lợi ích nhất định đối với trẻ sơ sinh. Nhiều bà mẹ than phiền rằng em bé không chịu dùng ti giả, nguyên nhân chủ yếu là do giới thiệu sai cách, vậy ti giả có những lợi ích nào? Những lo ngại về ti giả liệu có chính xác không? Và giới thiệu ti giả thế nào cho đúng, để bé chấp nhận ti giả? Tất cả sẽ có trong bài viết sau đây
1. PHẢN XẠ MÚT Ở TRẺ SƠ SINH
Phản xạ mút là phản xạ phổ biến ở tất cả các động vật có vú. Phản xạ này hình thành từ trước khi con ra đời. Nhiều bé rất cần đến chức năng mút để trấn an và đưa mình vào giấc ngủ. Do đó nhiều mẹ đã sử dụng ti giả hay để cho con mút tay như một cách hỗ trợ tinh thần giúp bé an thần và ngủ ngon. Mặc dù lợi ích và hạn chế của ti giả và mút tay vẫn đang là một cuộc tranh luận chưa có hồi kết, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được rằng khi được sử dụng một cách khoa học và vệ sinh, ti giả và ngón tay trẻ là những công cụ tuyệt vời giúp trẻ nín khóc, cảm thấy an toàn, kéo dài giấc ngủ và ngủ qua đêm. Thậm chí, khi được sử dụng đúng cách, việc dùng ti giả và tay bé để thoả mãn phản xạ mút còn góp phần giúp bé học phân biệt phản xạ mút với việc bú lấy dinh dưỡng, tách biệt bú để ăn và phản xạ bú để trấn an khi ngủ; là tiền đề cho bé học cách ăn no và bú có hiệu quả sau này.
2. NHỮNG LỢI ÍCH KHI DÙNG TI GIẢ
Hầu hết các bậc phụ huynh từ chối việc sử dụng ti giả trong những tháng đầu đời của trẻ thường rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan sau: Khi trẻ cố gắng đi ngủ, theo bản năng trẻ sẽ bắt đầu mút mát để trấn an và tự đưa mình vào giấc ngủ hoặc trẻ đòi bú liên tục vào ban đêm do nhu cầu mút phản xạ ở trẻ chưa được thoả mãn, và khi trẻ đưa tín hiệu này cha mẹ lại nhầm lẫn với tín hiệu đói của con. Khi trẻ chỉ được phép mút mát khi bú mẹ hoặc bú bình, thì trẻ vừa ăn không hiệu quả, lại vừa phải ăn liên tục. Hệ quả lâu dài của việc này là nhiều mẹ chấp nhận lấy ti mẹ làm vật thế thân cho ti giả: cho con ngậm ti mẹ hàng giờ, sữa chảy ròng ròng 2 khoé miệng chỉ để chờ giấc ngủ đến. Cũng chính những mẹ này, sau đó lại than phiền con họ chỉ có ti mẹ mới chịu ngủ và chỉ ngủ mới chịu ăn.
Lúc này, một cách vô tình, con học ăn vặt trên ti mẹ, không học được cảm giác no đói, và không có khái niệm ăn chủ động. Mọi hành động liên quan đến ăn của bé đều nằm trong trạng thái vô thức của giấc ngủ. Đây là trở ngại rất lớn khi bé học ăn dặm, khi bản thân bé không hiểu được cảm giác và nhu cầu tự nhiên của cơ thế.
Nếu mẹ sử dụng ti giả, thì trở ngại như trên sẽ hầu như không xảy ra nữa. Trước 8 tuần, thậm chí 3 tháng khi việc tìm thấy ngón tay để mút có thể gặp khó khăn, mẹ có thể cân nhắc cho bé dùng ti giả. Khi bé được ăn no, được ợ hơi, bỉm sạch và không đau ốm, nếu bé đã có đủ thời gian chơi âu yếm bên mẹ mà vẫn khóc, thì mẹ cho bé ti giả để giúp thư giãn – hỗ trợ bé trấn an. Khi bé tìm được ngón tay và có thể tự phục vụ mình, lúc đó hãy để bé lựa chọn cái mà bé thích hơn.
Với các bé bị colic, việc cho ăn nhiều lần làm bé càng đau đớn, càng khóc, càng đẩy sữa lên thực quản và quá trình bị ợ nóng lại tiếp diễn không có lối thoát. Trong trường hợp này, ti giả được sử dụng để thoả mãn nhu cầu bú thư giãn; chờ đến bữa và ăn một bữa no.
Ti giả còn là một trong các yếu tố giúp giảm thiểu rủi ro đột tử trẻ sơ sinh, do ti làm cho đường thở của bé luôn mở, tránh nguy cơ ngạt khi ngủ.
Ngoài ra, ti giả còn được dùng như một công cụ hữu hiệu giảm khóc khi bé thay quần áo, khi bé được thay bỉm.
Nhiều mẹ có con ăn vặt còn dùng ti giả để kéo dài thời gian chờ: khi các bữa ăn quá gần nhau, mẹ cho bé ngậm ti giả tự trấn an, mẹ trì hoãn mỗi lần chỉ là 10-15’ cho đến khoảng thời gian mà MẸ THẤY BÉ ĂN CÓ HIỆU QUẢ. Khoảng cách cho ăn hiệu quả là khoảng thời gian giữa 2 bữa ăn mà khi đó bé ăn được no và sau đó có thể ngủ dài. Đây chính là khoảng cách lý tưởng giữa các bữa ăn: khoảng 3h đến 4h. Lưu ý, trẻ sơ sinh có ăn tích trữ cuối ngày các bữa ăn gần nhau, NHƯNG SAU ĐÓ NGỦ ĐÊM GIẤC DÀI VÀ ÍT DẬY ĂN HƠN.
3. TI GIẢ CÓ LÀM HỎNG HÀM CON? CÓ LÀM CON CHẬM NÓI?
Cho đến hiện tại, chưa có một nghiên cứu có cơ sở khoa học nào khẳng định việc ảnh hưởng đến hàm và răng, đến khả năng nói hay sự chậm nói của các bé ngậm ti giả. Ngược lại việc ngậm bình sữa khi đi ngủ ở trẻ lớn lại là nguyên nhân cao nhất gây sâu răng, sún, các bệnh về lợi và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến cấu trúc xương hàm.
Các bé phương tây được ngậm ti giả từ nhỏ, và lứa tuổi thực sự cần bắt đầu cai là 4 TUỔI. Lúc đó mẹ nói lý lẽ, con hiểu mình đã là người lớn, con học cách khác để làm chủ bản thân mình. 6 tuổi, nếu bé vào tiểu học mà chưa cai được ti giả, lúc đó gia đình mới cần biện pháp mạnh hơn.
4. PHỤ THUỘC TI GIẢ
Ti giả là vật giúp bé trấn an, bình tĩnh. Nếu mẹ chỉ đưa khi con cần trợ giúp chứ không cho bé ngậm trường kỳ tiếp diễn thì không bị phụ thuộc.
Cách để xác định trẻ có bị phụ thuộc vào ti giả hay không: Nếu trẻ chỉ cần ti giả khi mới bắt đầu chìm vào giấc ngủ, nhưng trong khi ngủ, ti giả rơi ra thì trẻ vẫn có thể ngủ lại, hoặc có thể tự mình nhét lại vào miệng, thì nó là vật trấn an. Nếu trẻ luôn tỉnh giấc, khóc lóc khi ti giả rơi ra và cha mẹ bắt buộc phải đút lại vào miệng cho trẻ thì trẻ mới chịu ngủ lại hay dễ chịu hơn, thì khi đó trẻ đã bị phụ thuộc vào ti giả và cha mẹ nên dừng sử dụng ti giả cho bé, áp dụng 4S thuần túy hoặc 5S bỏ qua bước ti giả. .
5. CÁCH GIỚI THIỆU TI GIẢ
Ti giả có thể được giới thiệu từ ngày đầu mới sinh (đối với bé bú mẹ lẫn bình hoặc chỉ bú bình), sau khoảng 4-6 tuần (với bé bú mẹ hoàn toàn, sau khi con ngậm đúng khớp ngậm của ti mẹ), và việc dùng ti giả chủ yếu trong trình tự đi ngủ của bé, khi bé tỉnh giấc giữa chừng hoặc để bé thư giãn khi cần giãn cữ các bữa ăn.
Khi bé khóc vì mệt, thay vì bế bé lên thì mẹ để bé nằm trên giường và mẹ đến cạnh bé, mẹ lời nói nhẹ nhàng, mẹ vỗ nhẹ vai con, hoặc có thể thay lời nói bằng tiếng shùhh bên tai bé. Mẹ đặt ti giả, hơi di di một chút trên môi bé, BÉ LÀ NGƯỜI QUYẾT ĐỊNH CÓ NÚT TI VÀO HAY KHÔNG. Nếu bé nhận, mẹ giữ thêm cho bé 1-2 phút và đi ra. Lưu ý: Khóc vì đau bụng, đói hay ốm không giải quyết bằng ti giả
Khi ti giả rơi, khi bé dậy sớm mà chưa ngủ trọn giấc, mẹ thực hiện NÚT CHỜ: 5-10’ tuỳ độ tuổi xem bé có ngủ lại được hay không (bé luôn cần học tự điều chỉnh bản thân trước, hiểu cảm giác và trạng thái của mình, trước khi có sự trợ giúp). Lúc này mẹ đặt ti giả bên môi con và chờ bé nút lại. Nhiều bé do có thời gian chờ này, học được cách tự mút tay, tự mình phục vụ mình, và tự nối giấc ngủ!
Tuyệt đối không nhét ti giả vào miệng bé! Và khi con đã ngủ với chiếc ti giả, xin đừng rút ti ra mà hãy để nó tự rơi khi bé đã ngủ say.
Nếu bé hay bị rơi ti giả và khó chịu khi ti rơi ra, trước khi dừng cho bé sử dụng ti giả, cha mẹ có thể dạy bé cách giữ ti giả trong miệng như sau: khi bé bắt đầu mút ti giả, hãy hơi kéo nhẹ ti ra một chút như thể chuẩn bị lấy ti khỏi miệng bé (nhưng đừng kéo mạnh khiến ti bị rơi ra khỏi miệng bé nhé). Bé sẽ mút mạnh hơn và sẽ nhanh chóng học cách giữ nó trong miệng kể cả khi bé đang ngủ say. Chờ một chút, rồi lại thử lại. Lặp đi lặp lại hành động này trong khoảng từ 10 đến 20 phút bất cứ khi nào bạn cho bé dùng ti giả, tốt nhất là nên dạy cho bé khi bé đang thức và không cáu gắt, khó chịu.