TẤT TẦN TẬT NHỮNG GÌ MÌNH ĐÃ CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI MANG BẦU <3
Xin chào mọi người, quyết định có em bé là một quyết định lớn và hạnh phúc nhất mà mình từng có. Tuy nhiên, đây không phải là một quyết định ngẫu nhiên và triển khai ngay của vợ chồng mình. 6 tháng trước khi có em bé, gia đình mình và đặc biệt là mình đã lập một kế hoạch chuẩn bị về tài chính, kiến thức, sức khoẻ, công việc và nơi ở rất kỹ càng để đảm bảo những điều tốt đẹp nhất cho mẹ và bé trong suốt 9 tháng bầu bí. Hôm nay, em Sóc đã được 38 tuần, trộm vía phần lớn thời gian trong 38 tuần, 2 mẹ con khoẻ mạnh vui vẻ, công việc và cuộc sống cũng suôn sẻ. Vậy nên, mình quyết định chia sẻ bản kế hoạch này với mọi người để bạn nào đang có ý định mang bầu có thể tham khảo nhé :D
1. TÀI CHÍNH
Tài chính là điều đầu tiên, bạn và chồng mình cần suy nghĩ, trao đổi với nhau trước khi quyết định mang bầu và có em bé. Bởi vì lúc mang bầu, tuỳ vào thể trạng mỗi người phụ nữ, sẽ có người khoẻ mạnh đi làm được hoàn toàn bình thường tới tận lúc sinh (như chị sếp cũ của mình đang ngồi họp thấy đau bụng thế là đi vào viện đẻ luôn, xong còn nhờ nhân viên xách túi vào hộ:)). Nhưng cũng có những bạn bầu nghén ngẩm người yếu như mùng tơi và chẳng thể đi làm được bình thường, có những bạn còn khổ hơn là thai luôn trong tình trạng dễ xảy và bác sĩ chỉ định ở nhà hạn chế vận động hay mọi người cứ bảo nhau là “treo chân” ấy. Điều này nghĩa là gia đình hoàn toàn có thể mất đi 1 lao động chính đồng nghĩa với việc mất đi 1 nguồn tài chính.
Tiếp theo đó, trước khi mang bầu và trong suốt 9 tháng mang bầu, người mẹ sẽ cần đi khám, uống thuốc, uống sữa, … và đi đẻ. Những chi phí này với gia đình khá giả thì chẳng đáng là bao, nhưng với gia đình tài chính eo hẹp thì cũng là 1 khoản to to đấy.
Mình sẽ liệt kê các khoản chi cơ bản nhất ở đây nhé:
- Tiêm phòng trước khi mang bầu bao gồm
+ Vắc xin viêm gan B
+ Vắc xin phòng thuỷ đậu
+ Vắc xin phòng sởi - quai bị - rubella
+ Vắc xin phòng cúm
+ Vắc xin phòng uốn ván
-> Giá từ 2.000.000 - 2.500.000 cho phần tiêm chủng cho mẹ
- Thuốc bổ trước khi mang bầu
Tuỳ vào loại thuốc mình uống là thuốc ngoại hay thuốc nội, thuốc nhãn hiệu gì và thời gian mình uống thì giá thành cũng khác nhau. Cơ bản thì trước khi mang bầu mình sẽ cần uống bổ sung DHA, axit folic, canxi (và có thể là vitamin tổng hợp nếu mẹ nào sức khoẻ yếu ớt quá)
Tiền thuốc bổ dao động từ 1 tr - 5 tr
- Tiền sữa: mình lấy ví dụ loại sữa mình uống: 1 hộp sữa bầu Morigana của Nhật loại 12 thanh mua tại siêu thị ở Việt Nam có giá 260k/hộp uống trong 6 ngày
-> 9 tháng hết 260k*5*9 = 11.700.000 tiền sữa cho mẹ
- Tiền khám thai và siêu âm
Tuỳ vào cơ thể của mẹ và sự phát triển của con, số lần khám thai của mỗi người sẽ khác nhau, không có con số chính xác tuyệt đối số lần khám cho tất cả các mẹ. Tuy nhiên trong suốt 9 tháng mang bầu, thì 1 bà bầu thông thường sẽ đi khám thai tối thiểu 6 lần. Trong đó có tối thiểu 02 lần siêu âm 4D để sàng lọc dị tật hình thái.
Và cũng tuỳ vào đó là phòng khám tư, bệnh viện tư, bệnh viện công, bác sĩ, … mà giá khám và siêu âm cũng khác nhau.
+ Siêu âm 2D dao động ở mức trung bình từ 100k - 200k/ lần; Xịn hơn ở các viện tư khám dịch vụ thì là 375k/ lần
+ Siêu âm 4D dao động ở mức trung bình từ 200k - 350k/ lần, xịn hơn ở các viện tư khám dịch vụ thì là khoảng 700k/ lần
+ Nghe bác sĩ khám và tư vấn thì cũng dao động từ 200k - 600k/ lần
+ Làm xét nghiệm double test giá dao động từ 400k - 1.350k/ lần
-> Như vậy với 1 bà mẹ sức khoẻ tốt và thăm khám tại cơ sở có mức giá trung bình thì chi phí khám và siêu âm, xét nghiệm sẽ khoảng: 3.500k
* Một số mẹ cần làm thêm xét nghiệm khác nếu bác sĩ chỉ định như:
+ Xét nghiệm triple test giá dao động từ 500k - 1.800k/ lần
+ Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ dao động từ 300k - 800k/ lần
Như Trang là Trang phải làm cả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ này :((
Và đương nhiên, có cả mẹ trong 3 tháng đầu mang thai mà từng bị cúm, bị sởi,… thì chắc chắn bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm xét nghiệm rubella. Hoặc có những mẹ có những vấn đề sức khoẻ phức tạp hơn nữa thì sẽ cần làm nhiều xét nghiệm hơn nữa, hoặc thậm chí là nằm viện -> chi phí cực kỳ tốn kém.
- Tiền thuốc bổ cho mẹ
Phần này thì mình thấy ở quê, các mẹ bầu hay ra hiệu thuốc mua luôn thuốc bổ sắt, canxi, vitamin tổng hợp,… uống. Cũng tuỳ vào từng loại thuốc mà giá rổ khác nhau. Nhưng sơ sơ thì tối thiểu cũng phải mất 1 triệu tiền thuốc.
Còn như mình thì mình làm xét nghiệm máu các giai đoạn thai kỳ, từ kết quả xét nghiệm máu, xem mình thiếu chất gì, thừa chất gì kết hợp với thể trạng sức khoẻ thì sẽ quyết định xem uống thuốc bổ như thế nào.
Trong quá trình mình mang thai 9 tháng, mình uống các loại thuốc sau: DHA, axit folic, canxi, sắt, magie, thuốc tiêu hoá (đương nhiên không phải uống đồng thời tất cả các loại cùng một lúc) nhưng tựu chung lại tiền thuốc mình cộng 9 tháng mai thai khoảng 5 tr
- Mua đồ cho em bé trước khi sinh dao động từ 3 tr - 50 tr (con số chênh lệch lớn bởi vì có chiếc máy hút sữa 2 tr, có chiếc máy hút sữa 10 tr, có chiếc xe đẩy 1 tr và cũng có chiếc xe đẩy 20 tr,….). Nhà mình không mua nôi hay cũi gì cho tiết kiệm :D
- Tiền đi sinh: chi phí này thì lại càng biến động phụ thuộc vào bạn sinh ở viện tỉnh, hay viện trung ương, hay viện tư,… bạn có mua gói thai sản trọn gói hay không,… bạn sinh thường hay sinh mổ,… Nếu sinh thường và sinh ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh thì chi phí không quá 3 triệu. Sinh ở Hà Nội theo bảo hiểm đúng tuyến cũng tầm 3-4 tr. Nhưng sinh ở Sản Hà Nội gói dịch vụ thì vào phát là nộp luôn 21 triệu, đẻ xong thừa thiếu tính sau. Sinh ở Bảo Sơn, Hồng Ngọc, Thu Cúc thì cứ dao động 20 - 40 tr. Sinh mổ ở Vinmec với Việt Pháp thì siêu đắt. Bạn mình vừa sinh mổ ở Việt Pháp 60 tr nè : ( Nên mình tạm không tính chi phí này vào bảng tài chính kẻo nhìn phát hoảng :D
———> Túm lại thì chi phí tối thiểu (theo cá nhân mình) sẽ là: 2 tr (tiền tiêm phòng) + 1 tr (tiền thuốc bổ trước khi bầu) + 11 tr (tiền sữa bầu) + 3.500k (tiền khám, siêu âm, xét nghiệm cơ bản) + 4 tr (tiền thuốc bổ trong quá trình bầu) + 3 tr (tiền mua đồ sau sinh cho em bé) = 24.5 tr
Đây là mức chi phí tối thiểu rồi nhé. Chi phí này chưa bao gồm tiền đi sinh và các loại khám chữa khác nha:)))
———> 24.5 tr không phải là số tiền nhỏ, vậy nên 2 vợ chồng cần để ra 1 khoản tiết kiệm này hoặc có phương án kiếm tối thiểu số tiền này để chi trả trước khi mang bầu và trong quá trình mang bầu nhé.
2. SỨC KHOẺ
Về sức khoẻ thì sẽ có sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần. Em bé trong bụng mẹ sẽ cần mẹ khoẻ cả 2 phần này ^^
2.1 Sức khoẻ thể chất
* Nếu bạn là người chu đáo cẩn thận và có khả năng chi trả tài chính tốt-> hãy làm khám sức khoẻ tổng quát và sàng lọc trước sinh cho cả 2 vợ chồng ở bệnh viện uy tín -> nếu phát hiện bệnh gì thì chữa trước khi quyết định mang bầu, nếu phát hiện hiếm muộn thì chữa chạy cũng kịp.
* Nếu bạn là người cẩn thận vừa và tài chính cũng vừa vừa -> hãy làm khám sức khoẻ tổng quát -> nếu phát hiện bệnh gì cần chữa ngay trước khi mang bầu
Ah, mình có răng khôn nên mình đã nhổ sạch 4 cái trước khi bầu bí để đảm bảo trong lúc bầu bí không bị đau răng, sưng răng, sốt hay phải uống thuốc kháng sinh:)
* Nếu bạn theo style vô tư đi -> không cần khám xét gì mà cứ thế bầu thôi. Vì cũng nhiều trường hợp các bạn thả trước khi cưới, rồi sinh em bé vẫn to khoẻ, nên cũng không thể nói không khám sức khoẻ thì 100% ảnh hưởng xấu đến con được
Tuy nhiên lời khuyên của mình vẫn nên là gì thì gì nên khám sức khoẻ tổng quát để đảm bảo 2 người đặc biệt là người mẹ có cơ thể khoẻ mạnh, sẵn sàng mang bầu.
- Rèn luyện thể chất từ 03- 06 tháng trước khi mang bầu
Như mình thì mình tập yoga và gym trong suốt 4 năm nay rồi. Đặc biệt khi quyết định mang bầu thì mình đi tập gym đều đặn và chạy bộ để rèn sức bền, dẻo dai cho cơ thể.
- Rèn luyện chế độ sinh hoạt điều độ
Ít nhất là rèn lại thói quen ngủ sớm (như mình trước đây khi startup toàn thức 2,3 giờ sáng làm việc, nhưng trước khi bầu 1 năm là mình đã rèn cho bản thân luôn đi ngủ trước 12.00 rồi, tuy chưa phải sớm sủa gì nhưng cũng là 1 cải thiện lớn với mình). Nếu được, các bạn nên rèn thói quen không dùng thiết bị điện tử sau 10.00 và 10.30 đi ngủ để có cơ thể khoẻ mạnh nhé ^^
- Ăn uống đủ chất/ Uống vitamin tổng hợp nếu cơ thể quá yếu ớt
Mình luôn tin việc ăn uống phong phú đa dạng và sạch sẽ là cung cấp đủ dưỡng chất tự nhiên cho cơ thể rồi, không cần phải dựa vào thuốc men gì cả. Vậy nên, mình luôn duy trì chế độ ăn đủ chất, đủ bữa và tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê trong suốt 06 tháng trước khi mang bầu.
Bạn nào thấy sức khoẻ yếu, có thể uống bổ sung ngay sữa tươi và viên vitamin tổng hợp cũng được :)
Còn trước khi bầu 03 tháng thì nên uống Axit folic và DHA theo như lời khuyên của bác sĩ này.
2.2 Sức khoẻ tinh thần
Nói chung, bạn hãy nhớ: bạn chỉ nên có em bé khi bạn sẵn sàng, đừng vì áp lực từ gia đình, họ hàng, xã hội mà quyết định có con. Và bạn cũng chỉ nên có em bé khi nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc hơn khi có con xuất hiện trong cuộc đời, còn nếu bạn đang mải mê chinh chiến với sự nghiệp, bạn nghĩ mình sẽ phải hi sinh mất mát để có con thì nên suy nghĩ lại. Nếu không trong quá trình mang bầu, bạn rất dễ bị stress do công việc chậm lại, những hoạch định không diễn ra như ý muốn,… Và điều này cũng rất ảnh hưởng đến em bé. Có 1 trường hợp mình càng khuyên không nên có con là khi 2 bố mẹ đang chán nản nhau, muốn chia tay, bạn nghĩ con sẽ là sợi dây gắn kết. SAI RỒI. Con sẽ là trách nhiệm chung cho 2 người nhưng không đảm bảo hạnh phúc cho 2 người. Nên suy nghĩ kỹ về việc có em bé trong trường hợp này.
Còn mình chia sẻ làm thế nào để mình có tinh thần thật tốt trước khi bầu và trong khi bầu
- Tránh xa các tin tức tiêu cực, con người tiêu cực, việc tiêu cực. Nếu bạn hay đọc mấy trang tin nhảm trên FB hay báo mạng mà là tin tiêu cực thì nên unfollow ngay, giảm thời gian ở trên mạng xuống càng nhiều càng tốt. Nếu bạn có người nào xung quoanh chỉ hay than vãn, kêu ca, suy nghĩ tiêu cực, hãy tạm tránh những ngừoi này ra, nếu ko thể không tránh được thì hãy chủ động nói những chuyện tích cực và nhắc họ rằng bạn đang muốn nói về những điều tốt đẹp,…
- Gặp gỡ những người phụ nữ đã có con mà vẫn vui tươi, tràn đầy năng lượng: bạn sẽ học được những mẹo của họ trong quá trình bầu bí cũng như được tiếp nguồn năng lượng tích cực để bạn yêu đời và sẵn sàng có bé yêu hơn
- Học một môn nghệ thuật nhẹ nhàng như cắm hoa, vẽ tranh,…. chủ yếu là để bạn sống chậm và thư thái chứ không phải để bạn gồng mình lên tạo ra 1 tác phẩm nghệ thuật
- Nói chuyện và chia sẻ nhiều hơn về mong muốn của mình với chồng: nói xem bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc nếu anh ấy làm điều gì. Đàn ông là giống loài rất thông minh trong công việc nhưng lại không giỏi đoán ý phụ nữ, vậy nên bạn hãy cứ chủ động cho anh ấy biết anh ấy nên làm gì để bạn vui vẻ nhé.
3. KIẾN THỨC
Trang bị kiến thức trước khi mang bầu và trong quá trình bầu và nuôi con quả là một công việc dài không hồi kết. Trước khi mang bầu và trong khi mang bầu, có 3 nguồn kiến thức dồi dào mà bạn có thể tìm thấy được là: sách vở + các trang mạng, những người đi trước và các khoá học/ lớp học
3.1 Sách
- Nếu bạn là một chú ong chăm chỉ và đọc được cả tiếng Anh: bạn có thể đọc list các sách sau trong quá trình mang bầu: What to expect when you’re expecting, Caring for your baby and young child, Secrets of the baby whisperer, Chuẩn bị cho một thai kỳ khoẻ mạnh và chào đón bé yêu, 68 giác ngộ nuôi con bằng sữa mẹ, tuyển tập nuôi con không phải cuộc chiến, chào con ba mẹ đã sẵn sàng, để con được ốm, mẹ đoảng
- Nếu bạn không chăm không lười thì nên đọc 2 cuốn: Chuẩn bị cho một thai kỳ khoẻ mạnh và chào đón bé yêu, tuyển tập nuôi con không phải cuộc chiến
- Nếu bạn lười thì nên đọc 1 cuốn: Chuẩn bị cho một thai kỳ khoẻ mạnh và chào đón bé yêu
- Bạn nào quan tâm tới việc nuôi con bằng sữa mẹ thì rất rất nên đọc cuốn 68 giác ngộ nuôi con bằng sữa mẹ nhé
3.2 Những người đi trước
Mình rất hay nói chuyện với mẹ chồng và 2 cô bạn thân về chuyện bầu bí để học hỏi kinh nghiệm :D. Bạn không cần nhiều quân sư đâu, 1-2 người là đủ rồi, và nếu nói chuyện được với mẹ chồng thì rất tuyệt, vì bà sẽ rất vui khi được đưa ra lời khuyên và chăm sóc cho bạn, cũng như bà sẽ hiểu bạn nhiều hơn.
Mình cũng hay đọc các bài chia sẻ của chị Trần Minh Trang vì cảm thấy nó hữu ích, thực tế và dễ áp dụng nữa:D
3.3 Những lớp học/ khoá học
Hiện mình chưa tìm thấy khoá học nào dạy trước khi mang bầu, mới chỉ có các lớp tiền thai sản tức là trước khi sinh ấy.
Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể đăng ký học các lớp dinh dưỡng, yoga, …. và khi học thì tham vấn với giáo viên là bạn đi học để chuẩn bị có bầu để được hướng dẫn theo chế độ của người chuẩn bị mang thai nhé ^^
Lưu ý chút về việc đọc sách: bạn đọc và nên dùng bút đánh dấu lại những phần quan trọng hoặc những phần mà bạn chưa cần áp dụng ngay nhưng khả năng trong tương lai sẽ cần. Điều này đảm bảo khi bạn cần, bạn biết nên mở lại trang nào đọc. Vì sách bầu bí thường dày lắm, không đánh dấu khi cần tìm lại chắc chết:)
Mình có 1 cuốn sổ, mình chia sổ ra làm các mục cho mẹ, cho bé. Trong mục cho mẹ, cho bé mình lại tiếp tục chia thành phần dinh dưỡng, khám chữa bệnh, tập luyện, tháng 0-1, tháng 1-3, … Khi đọc sách hay đọc các group bỉm sữa có thông tin nào quan trọng và hữu ích thì mình sẽ ghi luôn vào sổ. Mình cũng lập luôn 1 folder trên máy tính với các mục tương tự để lưu 1 bản online, chủ yếu là để save các link bài.
4. CÔNG VIỆC
Sẽ có 3 tuýp phụ nữ chung như sau:
- Không đi làm mà ở nhà chăm sóc chồng con
- Đi làm một công việc nhẹ nhàng, tốn ít thời gian, chồng con là ưu tiên lớn
- Làm middle manager - quản lý cấp trung ở tổ chức
- Làm lãnh đạo, làm startup, … tham vọng về công việc và giờ chuẩn bị bầu bí sinh đẻ
-> Nhóm 1 và 2: thì không cần lo sắp xếp công việc gì rồi nhé.
-> Nhóm 3 thì bạn cần chủ động không tham gia vào các dự án dài mà có thể đến lúc bạn bầu, sinh dự án vẫn tiếp tục. Nếu có tham gia thì vai trò của bạn không quá lớn và có thể thay thế được. Bạn cũng nên nói chuyện với lãnh đạo về dự định mang bầu của mình cũng như những giải pháp bạn đã chuẩn bị để đảm bảo công việc không bị ảnh hưởng. Mình thấy có một số người có bầu xong giấu không nói với sếp vì sợ sếp và đồng nghiệp không tạo điều kiện, nhưng như thế vừa thiệt mình vì không được tạo điều kiện trong công việc, vừa làm hỏng kế hoạch nhân sự của công ty.
-> Nhóm 4: nhóm này là căng thẳng nhất. Bản thân mình thuộc nhóm 3 này, phải nói là rất mệt mỏi và gần như là không thể nếu mình đặt ra 2 mục tiêu chạy song song là phát triển sự nghiệp và đẻ con đẹp con khoẻ con khôn. Chỉ có thể là lựa chọn. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời mình lại phải đưa ra một sự lựa chọn thôi. Không tham lam chọn cả 2 được, và không lạc quan cho rằng mình đặc biệt giỏi hơn người khác nên mình sẽ làm được cả 2. Số người làm được như vậy rất ít, và để làm được điều đó, thì họ phải đánh đổi thanh xuân, thời gian cho bản thân, đổi lại là luôn phải gồng mình cố gắng, và khả năng vẫn có 1 trong 2 cái hỏng hoặc hỏng cả 2.
Muốn bầu bí nhẹ nhàng khoẻ mạnh thì bạn nên xác định giai đoạn sắp tới công việc nên hướng tới sự ổn định chứ không phải là phát triển mạnh mẽ. Hãy làm cái gì trong khả năng kiểm soát của bạn. Bên cạnh đó, hãy tin tưởng và trao quyền cho nhân sự nhiều hơn ngay từ bây giờ, để nhân sự chủ động làm công việc khi không có sự tham gia sâu của bạn. Đây cũng là lúc nhân sự tốt thì sẽ rất vui vì có cơ hội được tin tưởng tuyệt đối, được trao quyền.
5. NƠI Ở
Nơi bạn bầu và sinh nên là 1 nơi là tốt nhất. Đó là nhà của bạn hay nhà bạn thuê hay bạn ở nhà chồng, nhà bố mẹ đẻ đều được miễn sao ở đó bạn cảm thấy thoải mái, hạnh phúc. Dù ở đâu thì bạn cũng lưu ý những điều sau nhé
- Không gian xanh, sạch, có ánh sáng tự nhiên -> tốt cho sức khoẻ thể chất và tinh thần cho bạn khi mang thai và cho bé khi sinh ra
- Không ở trên cao phải leo trèo cầu thang nhiều hoặc đường đi trơn trượt -> khi bầu đi cầu thang hay đường trơn trượt đều nguy hiểm
- Ở gần nơi bạn làm việc càng tốt để bạn không vất vả khoản đi lại trong suốt quá trình bầu bí. Còn nếu không thể ở gần công ty được thì mình chọn phương án đi lại hợp lý vậy.
Để mình chia sẻ câu chuyện về nơi ở, ở với ai của mình khi mình bầu, mình đã chuyển về ở với bố mẹ chồng vì chồng mình hay đi công tác cũng như đi làm về muộn. Bản thân khi bầu, mình rất dễ tủi thân ấy, sức khoẻ cũng không được dẻo dai như lúc không bầu bí, nên sẽ cần sự quan tâm chăm sóc từ các thành viên khác trong gia đình. Mình ở với bố mẹ chồng, mẹ chồng cùng mình lên thực đơn dinh dưỡng, bà chăm cho mình từng bữa ăn luôn. Bố thì hay rửa bát cho mình, hôm nào mình đi làm muộn thì ông đèo mình đi làm. Vậy nên dù ở trong 1 căn phòng nhỏ trên tầng 3 không có nhà vệ sinh khép kín nhưng mình vẫn vui vẻ, khoẻ mạnh trong suốt thời kì bầu bí. mẹ Nhưng mình biết có một số bạn không thể hoà hợp với bố mẹ chồng, lúc bầu bí này có thể lại càng có nhiều căng thẳng vì những quan điểm ăn uống, sinh hoạt khi bầu của bạn lại khác hẳn với mẹ chồng chẳng hạn. Nếu tiên đoán được tương lai bất ổn như vậy, và bạn đủ tự tin tự chăm lo cho bản thân mình cũng như em bé trong bụng tốt, bạn trang bị đủ kiến thức rồi, thì bạn nên tâm sự với chồng về việc chuyển ra ở riêng. Tuy nhiên ở riêng có thể thoải mái nhưng lại nặng vấn đề tiền thuê nhà có khi lại gây ra một áp lực khác. Vậy nên phần này chỉ có thể mỗi cặp vợ chồng tự cân nhắc thôi, hãy đặt ưu tiên là sự vui vẻ, thoải mái của 2 vợ chồng và đặc biệt là tinh thần của bà mẹ tương lai nhé.
Wow dài quá dài quá, hi vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho những bạn đang chuẩn bị cho việc mang bầu. 9 tháng mang bầu của mình là 9 tháng hạnh phúc vô cùng. Không phủ nhận là mình bầu bí trộm vía khoẻ mạnh hơn một số bạn khác, nhưng mình chắc chắn rằng một phần là do mình đã có sự tìm hiểu và chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi bầu rồi. Chúc các bạn sẽ sớm có em bé và thời kỳ thai kỳ khoẻ mạnh, hạnh phúc
From Kiều Trang - mẹ Sóc with love