NGƯNG HÀNH HẠ NHỮNG NGƯỜI VỪA LÀM MẸ
Đúng vậy, ngưng “hành hạ” chứ không phải chỉ là ngưng phán xét hay đánh giá. Mình nghiêm túc đấy.
Đầu tiên, hãy bàn về giấc ngủ. Bạn có biết ép cho không được ngủ từng là một phương pháp tra tấn đã được sử dụng từ ít nhất 500 năm trước và vẫn còn được sử dụng cho tới ngày nay. Nó được sử dụng phổ biến ở Guantanamo. Sự khác biệt giữa việc tra tấn cho thiếu ngủ ở Guantanamo với những bà mẹ mới sinh đó là: những bà mẹ tự nguyện, ít bị tổn thương một cách có hệ thống và cố ý. Nhưng thực ra, tác động của nó thì như nhau. Tra tấn bằng giấc ngủ được thiết kế để tạo ra những thay đổi tâm lý, được cho là để khuyến khích nạn nhân phục tùng, đánh mất dần ý thức cũng như khả năng nói chuyện.
Thiếu ngủ mãn tính không tốt cho bạn. Nó dẫn tới suy giảm nhận thức, tức giận, cáu kỉnh, lo lắng và thậm chí rối loạn tâm thần. Rối loạn tâm thần ở những bà mẹ mới sinh thì không phổ biến, nhưng nó vô cùng nguy hiểm.
Một trong những ảnh hưởng của việc thiếu ngủ là mất đi phương hướng và cảm giác. Mình từng nghe một người mẹ tâm sự rằng cô ấy không thể ngủ được 3 ngày đầu tiên ngay sau khi sinh, nhưng không ai để ý. Hiện tại, sau hơn 4 tháng, cô ấy đang phải điều trị rối loạn tâm thần.
Thiếu ngủ mãn tính là khi bạn không có cơ hội bù đắp lại giấc ngủ đã thiếu. Bạn cứ thiếu mãi từ đêm này qua đêm khác, khổ sở vì ngủ không đủ giấc. Thiếu ngủ cấp tính là khi bạn mất ngủ một đêm, nhưng ngay sau đó bạn có thể ngủ bù. Ngay cả thiếu ngủ dù là cấp tính thôi, cũng ảnh hưởng rõ rệt tới sức khỏe tâm thần của chúng ta.
Trong một nghiên cứu (
walkerlab.berkeley.edu/reprints/Yoo-Walker_Curr...), những sinh viên trẻ khỏe mạnh được chia làm 2 nhóm: 1 nhóm thiếu ngủ và 1 nhóm ngủ bình thường. Sau 1 ngày, cả 2 nhóm được xem những bức ảnh buồn bã, tang thương. Các nhà nghiên cứu thấy rằng có sự khác biệt đáng kể trong hoạt động não của 2 nhóm, được đo bằng máy quét MRI. Nhóm thiếu ngủ cho thấy những phản ứng tương tự như phản ứng lo lắng buồn rầu, tiết ra hormone căng thẳng trong não trong khi nhóm còn lại thì có phản ứng cân bằng hơn khi nhìn thấy những bức ảnh trên. Lý do đơn giản là vì ở nhóm thiếu ngủ, khả năng xử lý và điều hòa sự lo lắng đã bị tổn thương.
Có một suy nghĩ khá phổ biến ở mọi người là do lo lắng và trầm cảm mà giấc ngủ bị xáo trộn. Nhưng thực tế thì ngược lại. Chỉ có một mình trong đêm, và những người mẹ liên tục lo lắng: lo lắng cho em bé, cho chính mình, các cảm giác hối hận, tội lỗi, không đủ tốt, những thứ có thể gây tổn thương cho em bé, về việc cho bé ăn, bé ngủ… Và một khi lo lắng xuất hiện, nó lại càng khiến họ trở nên khó ngủ, làm tăng cơ hội trầm cảm và tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Đâu có gì lạ khi tỷ lệ lo lắng, trầm cảm, rối loạn tâm thần ngày càng tăng cao. Bởi vì phụ nữ thường sinh con qua đêm, đôi khi không phải 1 mà là 2-3 đêm liền. Họ được đưa vào phòng hộ sinh bận rộn, với đèn sáng choang, nhìn những phụ nữ và em bé khác khóc, những gián đoạn liên tục từ nhân viên y tế và liên tục lo lắng, sợ hãi. Rồi họ được về nhà, với một người chồng cũng rất mệt mỏi. Nhưng bên họ có một em bé cần được sống, và họ cần học cách chăm sóc, nuôi dưỡng. Họ không ngủ. Tiếp tục những ngày sau đó, chồng đã đi làm cả ngày, bà có thể đã bế con cả ngày giúp họ… vậy là họ chấp nhận giữ con ban đêm. Để những giờ thiếu ngủ tăng lên, cứ dồn thêm dồn mãi.
Đâu đó mình không biết, có hình ảnh những bà mẹ vừa sinh được nghỉ ngơi, hồi phục, nằm trên giường, không làm gì khác ngoài việc làm quen với em bé. Họ được cho ăn, tắm rửa, được massage đá nóng… Còn đây là thực tế mà mình biết: những bà mẹ không hề được nghỉ ngơi, họ tiếp tục mọi thứ như bình thường với việc giặt giũ, tập luyện, giảm cân, đi mua sắm, dọn dẹp nhà cửa… (mình là một trong số đó đây vì ở xa gia đình). Các bà mẹ được khuyên HÃY NGỦ ĐI KHI CON NGỦ. Tuy nhiên, điều này thực ra là khá phi thực tế và chưa đủ. Bởi vì một người mẹ không chỉ cần như vậy. Họ cần ăn, cần tắm, thi thoảng cần mặc quần áo tử tế để đi ra ngoài, cần đi khám định kỳ và rất nhiều em bé, chỉ có thể ngủ 20 phút một lần thôi (lại là mình có em bé như thế :))). Và nếu như không có chồng san sẻ bớt những đêm dài ôm con, thì thôi, bạn có thể tưởng tượng ra được rồi đấy (mình có chồng giúp nhiệt tình mà đôi khi mệt mỏi vẫn không thể kể được, huống chi những người không được giúp).
Điều buồn là, nhiều người chồng viện cớ phải đi làm cả ngày rồi nên đêm về cần nghỉ ngơi - một lí do nghe chừng thật là chính đáng. Nhưng ai chẳng cần phải làm việc, và một người mẹ “làm việc” với một em bé cả ngày đôi khi còn năng suất và mệt mỏi hơn nhiều việc ngồi gõ máy tính văn phòng. Hãy san sẻ nếu có thể.
Vậy đó, đó là lí do vì sao mình nói rằng hãy ngừng hành hạ những người mẹ. Đừng bỏ qua những vấn đề sức khỏe và tinh thần rồi mong đợi họ sẽ trở lại bình thường sau sinh chỉ vài ngày. HỌ KHÔNG BÌNH THƯỜNG. Những vấn đề họ gặp phải cũng cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần coi trọng và đối xử với họ bằng sự tôn trọng nhiều nhất có thể.
Sự thay đổi từ nhận thức là cần thiết. Nhưng chưa đủ. Hãy bắt tay vào làm gì đó ngay bây giờ, ngay hôm nay cho những người mẹ. Hãy chăm sóc họ. Hãy bế con cho họ một lát. Hãy pha cho cô ấy một tách trà hoa cúc hay artiso. Tắt đèn cho cô ấy. Mang thêm cho cô ấy một chiếc gối. Hãy hạn chế người thăm nom vì cô ấy cần ngủ và đang ngủ.
Đừng hỏi “Em bé có ngoan không” mà hãy nói “Em đúng là một bà mẹ tuyệt vời. Em có cần giúp gì không?”.
Đừng hỏi “Em bé có ngủ qua đêm không” mà hãy nói “Em đúng là một bà mẹ tuyệt vời. Em có cần giúp gì không?”
Đừng nói “Làm thế là sai rồi, không tốt cho em bé” mà hãy nói “Em đúng là một bà mẹ tuyệt vời. Em có cần giúp gì không?”
Bởi vì cái giá phải trả cho những hành động và lời nói vô tâm đấy, chính là sức khỏe tâm thần và thể chất của người mẹ.
Nguồn : Linh Phan