Ăn dặm kiểu Nhật

Kiến thức chung

Định nghĩa

Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp ăn dặm "du nhập" từ Nhật Bản sang Việt Nam thông qua các cuốn sách hướng dẫn ăn dặm của các chuyên gia người Nhật và các mẹ Việt Nam từng sinh sống tại Nhật Bản. Phương pháp này có cách chế biến cầu kỳ và nguyên liệu đa dạng hơn so với ăn dặm truyền thống. Mỗi món ăn có thể gồm 1 hoặc nhiều nguyên liệu.

Nên bắt đầu từ khi nào?

Khi bé được 5 - 6 tháng.

Trạng thái của thức ăn

Khi bắt đầu, bé ăn các món cháo xay nhuyễn giống ăn dặm truyền thống, sau đó tăng dần độ đặc và độ thô trong những tháng sau.

Bé ăn mấy món trong 1 bữa?

Bé có thể ăn 1 hoặc nhiều món trong 1 bữa giống như bữa ăn của người lớn. Mỗi bữa ăn của bé có thể bao gồm thức ăn chính, rau chính, rau phụ, súp...

Cách chế biến

- Ăn dặm kiểu Nhật giống ăn dặm truyền thống ở điểm xay nhuyễn thức ăn. Tuy nhiên, phương pháp này cầu kỳ và đa dạng hơn trong cách chế biến.

- Đồ ăn của bé có thể được làm với nhiều cách như: mài, tách, xé, giã, nghiền, rây, làm sánh, làm nhuyễn, cắt, nướng, luộc...

- Nguyên liệu nổi bật của ăn dặm kiểu Nhật là 2 loại nước dùng:

+ Súp rau: nấu từ các loại rau củ tươi ngon

+ Nước dashi: nấu từ tảo bẹ và cá thu bào của Nhật, có hương vị đặc trưng

2 loại nước dùng này xuất hiện trong rất nhiều món ăn dặm kiểu Nhật

Bắt đầu như thế nào?

Với bé bắt đầu ăn, mẹ có thể cho bé ăn cháo loãng nấu từ gạo hoặc cơm với tỉ lệ như sau:

+ Nấu từ gạo: 1 gạo : 10 nước

+ Nấu từ cơm: 1 cơm : 4 nước

Lượng ăn và cách tăng thô

Dưới đây là lượng ăn khuyến nghị cho bé được đưa ra bởi bà Tsutsumi Chiharu, Tiến sĩ về dinh dưỡng và sức khỏe, Trưởng khoa Dinh dưỡng của Viện nghiên cứu về Trẻ em và Gia đình Nhật Bản. Thông tin được bà tham khảo trong “Tài liệu hướng dẫn hỗ trợ về bú sữa/cai sữa" năm 2007 của Bộ y tế và lao động Nhật Bản. 

Tuy vậy, thông tin chỉ mang tính chất mục tiêu. Lượng ăn sẽ khác nhau tùy vào cơ địa của mỗi bé. 

Lượng ăn khuyến nghị trong 1 bữa cho bé 5 - 6 tháng

1 ngày bé nên ăn 1 - 2 bữa 

  • Cháo (1 phần gạo 10 phần nước): từng thìa một theo khả năng ăn của bé 
  • Chất đạm:
    • Đậu phụ: 1 thìa
    • Hoặc cá thịt trắng: 1 thìa 
  • Rau/hoa quả: từng thìa một theo khả năng ăn của bé 

Lượng ăn khuyến nghị trong 1 bữa cho bé 7 - 8 tháng

1 ngày bé nên ăn 2 bữa 

  • Cháo (1 phần gạo, 5 hoặc 7 phần nước): 50 - 80g
  • Chất đạm:
    • Cá: 10 - 15g
    • Hoặc thịt: 10 - 15g
    • Hoặc đậu phụ: 30 - 40g
    • Hoặc ⅓ lòng đỏ trứng gà
    • Hoặc sản phẩm từ sữa: 50 - 70g
  • Rau/hoa quả: 20 - 30g 

Lượng ăn khuyến nghị trong 1 bữa cho bé 9 - 11 tháng

1 ngày bé nên ăn 3 bữa 

  • Cháo (1 phần gạo 5 phần nước): 90g hoặc cơm nát: 80g
  • Chất đạm: 
    • Cá: 15g
    • Hoặc thịt: 15g
    • Hoặc đậu phụ: 45g
    • Hoặc trứng: ½ quả cả lòng trắng và lòng đỏ
    • Hoặc sản phẩm từ sữa: 80g
  • Rau/hoa quả: 30 - 40g

Lượng ăn khuyến nghị trong 1 bữa cho bé 12 - 18 tháng

1 ngày bé nên ăn 3 bữa

  • Cơm: cơm nát 90g hoặc cơm thường 80g 
  • Chất đạm: 
    • Cá: 15 - 20g
    • Hoặc thịt: 15 - 20g 
    • Hoặc đậu phụ: 50 - 55g 
    • Hoặc trứng: ½ - ⅔ quả  
    • Hoặc sản phẩm từ sữa: 100g
  • Rau/hoa quả: 40 - 50g

Ưu điểm

- Bé được ăn nhiều món trong một bữa, các món được nấu riêng biệt, bé cảm nhận được hương vị riêng của từng món ăn.

- Các món ăn đa dạng, đủ chất, được thay đổi thường xuyên tương ứng với từng giai đoạn phát triển của bé.

- Mẹ có thể trữ đông thực phẩm, giúp tiết kiệm thời gian và công sức khi nấu ăn cho bé.

- Thường xuyên sử dụng súp rau và nước dashi giúp món ăn thêm ngon miệng và cung cấp nhiều vitamin cho bé.

- Bé có khả năng ăn thô, nhai nuốt tốt hơn so với bé ăn theo phương pháp truyền thống.


Nhược điểm

- Sử dụng nhiều thức ăn trữ đông làm giảm độ tươi ngon của thực phẩm.

- Mẹ cần chế biến nhiều món trong một bữa, mất nhiều thời gian hơn so với phương pháp truyền thống.


Ghi chú

Để tận dụng các ưu điểm và hạn chế các nhược điểm của 3 phương pháp ăn dặm, bố mẹ có thể linh động cho bé kết hợp 2 hoặc cả 3 phương pháp trong chế độ ăn hàng ngày.